Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, đối với công tác thanh tra theo kế hoạch, thanh tra toàn diện các lĩnh vực công tác, trong đó chú trọng: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cấp Kiểm sát, Thủ trưởng các đơn vị; công tác tổ chức cán bộ, thi đua - khen thưởng; công tác quản lý tài chính, tài sản công và đầu tư xây dựng cơ bản hoặc đơn vị nội bộ có dấu hiệu mất đoàn kết, có nhiều vi phạm xảy ra để tiến hành thanh tra. Ngoài ra, thanh tra theo kế hoạch bảo đảm các đơn vị trực thuộc đều được tiến hành thanh tra luân phiên; thông qua đó đánh giá được các đơn vị làm tốt, các đơn vị còn yếu kém. Kết thúc các cuộc thanh tra, ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung trong Ngành và trong đơn vị.
Chỉ tiêu: Đối với Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành thanh tra từ 04 cuộc trở lên. Đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tiến hành thanh tra từ 01 cuộc trở lên. Đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh: tỉnh có dưới 10 đơn vị cấp huyện tiến hành thanh tra từ 02 cuộc trở lên; tỉnh có từ 10 đơn vị cấp huyện trở lên tiến hành thanh tra từ 03 cuộc trở lên.
Về công tác thanh tra đột xuất, tăng cường thanh tra đột xuất trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi công vụ, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống; đơn vị, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ, dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc, kéo dài; có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhằm kịp thời làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức, viên chức, người lao động để xảy ra vi phạm; đặc biệt xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm đạo đức, lối sống.
Về công tác kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ, tăng cường kiểm tra việc thực hiện văn hóa công sở, việc chấp hành chế độ trực nghiệp vụ, việc thực hiện quy định về sử dụng trang phục ngành Kiểm sát nhân dân.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó lưu ý các khiếu nại, tố cáo do cơ quan Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân chuyển đến; vụ việc dư luận, báo chí phản ánh, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, đơn tố cáo vi phạm về đạo đức, lối sống của công chức, viên chức, người lao động trong Ngành.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thường xuyên cập nhật, tham mưu quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định mới của Đảng, Nhà nước, của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa theo Luật Phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị...
Về công tác theo dõi, kiểm tra sau thanh tra, thanh tra Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại do đơn vị ban hành hoặc do cấp trên chuyển đến; đảm bảo các kết luận, quyết định được thực hiện nghiêm, đúng quy định.