Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nông sản Việt Nam có lợi thế lớn tại thị trường Trung Quốc nhờ vào sự gần gũi về địa lý và nhu cầu tiêu dùng cao
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 205,2 tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục về thương mại 2 chiều. So với năm 2023 đã tăng thêm 33,3 tỷ USD. Với kết quả này, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại đầu tiên mà nước ta thiết lập quy mô trên 200 tỷ USD.
2 tháng đầu năm 2025, thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,9 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 23,3 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Hết quý I/2025, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,1 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều mặt hàng chủ lực như nông sản (gạo, cà phê, hạt điều, trái cây...), thủy sản, linh kiện điện tử, dệt may, cao su và dầu thô. Đặc biệt, nông sản Việt Nam có lợi thế lớn tại thị trường Trung Quốc nhờ vào sự gần gũi về địa lý và nhu cầu tiêu dùng cao. Sản phẩm như sầu riêng, thanh long, xoài, chanh leo đã có chỗ đứng vững chắc và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng như máy móc, thiết bị công nghiệp, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, hàng tiêu dùng và linh kiện điện tử. Sự đa dạng trong cơ cấu hàng hóa giữa hai nước giúp tận dụng được lợi thế so sánh của từng bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.
Chia sẻ tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2025, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu sản xuất lớn nhất của Việt Nam.
Tại sự kiện "Gặp gỡ 2025: Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc: Cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư" ngày 14/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã bày tỏ kỳ vọng kim ngạch thương mại giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Việt Nam tăng từ 3 tỷ USD lên 5 tỷ USD trong năm 2025 nhờ áp dụng cửa khẩu thông minh.
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, phải tạo được bước chuyển lớn về hợp tác kinh tế - thương mại thông qua đẩy mạnh hợp tác ở cấp địa phương giữa tỉnh Vân Nam và Lào Cai cùng các địa phương Việt Nam; tăng cường phát triển, kết nối hạ tầng giao thông, tiêu biểu là dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Vân Nam), kết nối ray giữa ga Lào Cai - ga Hà Khẩu Bắc; mở rộng hợp tác du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, đi lại của người dân hai bên...
Mới đây, ngày 7/4 (theo giờ địa phương), tại Tashkent, Uzbekistan, nhân dịp tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 150 (IPU-150), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lạc Tang Giang Thôn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước cũng như giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, đề nghị cơ quan lập pháp hai nước phối hợp chặt chẽ chuẩn bị tốt các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao sắp tới giữa hai nước; triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc (ký tháng 4/2024).
Đồng thời, thúc đẩy kết nối sâu sắc hơn giữa hai nền kinh tế, trong đó có việc tập trung triển khai những dự án quy mô lớn, mang tính biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước; đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hoá, nhất là các mặt hàng nông, thuỷ sản có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc.
Ông Lạc Giang Tang Thôn khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu các mặt hàng xuất khẩu chất lượng cao của Việt Nam, bao gồm nông sản và mong Việt Nam tích cực cử đoàn tham gia các hội chợ xuất nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó có Hội chợ Asean - Trung Quốc.
Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, dự kiến ngày 11/4 tới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Ủy ban Thương mại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) sẽ tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.
Hội nghị nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2025, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam giao dịch và kết nối giao thương trực tiếp với đối tác Việt Nam.
Hội nghị không chỉ là cầu nối quan trọng giúp doanh nghiệp hai nước mở rộng thị trường, mà còn là động lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương phát triển bền vững, cân bằng và hiệu quả hơn trong tương lai. Đồng thời, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp mình đến các đối tác, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý của thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc).
Trùng Khánh là một trong những trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất của Trung Quốc, với sự hiện diện của nhiều nhà sản xuất ô tô trong nước và quốc tế. Ngành điện tử thông minh đang phát triển mạnh mẽ, tập trung vào sản xuất điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác. Với sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ngành thiết bị y tế cũng đang trở thành một động lực tăng trưởng mới của Trùng Khánh.
Phan Trang