Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ tăng độ khó khi đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng công tác đào tạo sát hạch, người thực thi công vụ trong đào tạo lái xe còn nhiều bất cập, tiêu cực, hạn chế. Bà yêu cầu Bộ trưởng trả lời về vấn đề này và nêu giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Hà Nam, Hà Thị Minh Tâm cũng dẫn báo cáo của Bộ GTVT về tình trạng xe đã hết niên hạn, xe quá hạn kiểm định, chất lượng đào tạo lái xe tại các trung tâm chưa đảm bảo yêu cầu. Đại biểu Tâm cho rằng nguyên nhân do công tác kiểm soát của ngành chưa hiệu quả và yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT làm rõ vấn đề này.
Trả lời các vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, công tác công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX đây là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).
Do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Đồng thời, Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến ĐBQH, nhân dân, điều chỉnh và tham mưu Chính phủ, cuối năm 2019,ban hành Nghị định 138 thay thế một số nội dung của Nghị định 65 về các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX.
“Chúng tôi đã lồng ghép nội dung như tăng cường giám sát giờ học của các học viên, tăng cường giám sát thời gian tập trên đường, tăng độ khó của các đề thi, đưa ra một số tình huống khó. Chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác đào tạo cấp GPLX, để mỗi lái xe khi nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất”, Bộ trưởng nói.
Về công tác đào tạo lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã cập nhật thông tin các nước có liên quan, tăng bộ đề thi lên 600 câu. Loại xe 4 bánh tăng lên 36 câu, xe tải tăng lên 40 câu, xe hạng F tăng lên 45 câu. Số lượng câu hỏi tăng lên. Trong 45 câu, chỉ 2-3 câu không đạt thì coi như không đạt lý thuyết. Cùng với đó còn có những tình huống, tập sa hình, tập trong buồng mô phỏng…
“Sắp tới, sẽ có nhiều giải pháp để sao cho lái xe có thể tiếp cận các loại hình. Ví dụ như đang học ở đồng bằng, không có đồi núi thì dùng thiết bị mô phỏng để lái xe có thể chạy thử, nâng cao chất lượng”, ông Thể nói.
Trả lời ĐBQH Phạm Huyền Ngọc về những bất an xã hội liên quan đến việc lái xe say rượu, lái xe nghiện chất kích thích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo thống kê của Bộ Công an, tai nạn xảy ra thường với tài xế thâm niên lái xe 8-10 năm, điều này chứng tỏ không phải lái xe mới nhận bằng đã gây tai nạn.
Do đó, ngoài công tác đào tạo sát hạch còn công tác quản lý lái xe trong quá trình vận hành. Để xử lý, ngoài việc tăng cường đào tạo, cần kiểm tra giám sát hoạt động của doanh nghiệp, lái xe, nhất là việc sử dụng rượu bia. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu tăng mức hình phạt với lái xe vi phạm.
Tiêu cực đăng kiểm: Đã phát hiện và có kiểm tra đột xuất
Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hoá) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận của các DN đầu tư cho hoạt động đăng kiểm và mục đích cao nhất trong hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới là đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện.
Đại biểu Thuỷ cũng phản ánh việc có ý kiến cử tri cho rằng, trường A, trường B học dễ thi dễ, được bao lý thuyết thế nên có hiện tượng người học lái xe di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để học thi dù phải đi xa hơn vài chục, thậm chí vài trăm cây số.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, để giám sát chất lượng đăng kiểm, toàn bộ các hoạt động của trung tâm kiểm định xe trên cả nước đã được kết nối với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Bộ GTVT đã xử lý nghiêm các trung tâm vi phạm, 1 số trung tâm bị rút giấy phép. Cụ thể, trong năm nay, 1 trung tâm ở Bắc Giang đã bị rút giấy phép.
Trách nhiệm của các trung tâm đăng kiểm là phải đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy trình kiểm tra. Các trung tâm, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Về câu hỏi trường A trường B có thể tổ chức thi sát hạch cấp bằng lái dễ hơn các trường khác, và cũng có hiện tượng 1 số người dân đi đến các trường xa hơn các địa bàn của mình, vì nghe rằng ở những chỗ đó, thi dễ hơn. Tình trạng này cũng có, vừa qua báo chí đã phản ánh, chúng tôi và cơ quan công an đã vào cuộc. Vừa qua đã xử lý 1 trung tâm ở Hải Phòng.
Ngoài việc giám sát hàng ngày bằng công nghệ, Bộ GTVT đã tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Bất cứ thông tin nào báo chí phản ánh đều được kiểm tra ngay”, Bộ trưởng khẳng định.
Trong Báo cáo gửi Quốc hội về vấn đề đào tạo sát hạch lái xe, Bộ GTVT cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ, tự động hóa, nhận dạng,.. trong tất cả các khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng thúc đẩy hoàn thành việc “Chia sẻ, kết nối dữ liệu quản lý GPLX, dữ liệu quản lý GPLX vi phạm giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông” nhằm mục đích khi dữ liệu được kết nối, chia sẻ, lực lượng tuần tra, kiểm soát sẽ phát hiện được người lái xe sử dụng GPLX giả, GPLX không hợp lệ, GPLX đã giả khai báo mất; các Sở GTVT sẽ phát hiện được các trường hợp GPLX bị tạm giữ, bị tước quyền sử dụng trong quá trình cấp lại GPLX.