Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Tràng An đang bị nhiều DN "tố tăng giá vé bất ngờ và quá cao. Ảnh VGP/Nguyệt Hà |
Những năm vừa qua, do các hãng hàng không giảm giá rất đáng kể, hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng giảm giá tương tự, nên giá tour mới có thể giảm tới 50-70%. Tuy nhiên, các đơn vị trên không thể giảm giá hơn nữa, vì nếu giảm thì sẽ phải cắt vào khẩu phần ăn của khách.
Trong khi đó, thuế không giảm, giá vé vào các danh lam thắng cảnh lại tăng nên các công ty du lịch khi làm giá tour trọn gói cũng sẽ phải điều chỉnh tăng giá. Điều này khiến các công ty du lịch rất khó giải thích với khách hàng, vì Việt Nam đang kêu gọi kích cầu khắp mọi nơi, mà giá tour lại tăng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Hanoi Redtour Nguyễn Công Hoan cho biết: “Chúng tôi không thể nói với khách hàng rằng vì giá thắng cảnh tăng nên giá tour tăng. Quan trọng hơn, lữ hành cảm thấy không thoải mái, vì chính những người kêu gọi kích cầu lại không có hành động cụ thể để giảm giá các tour du lịch. Chúng tôi tự hỏi, liệu những lần kêu gọi kích cầu sau này các công ty du lịch còn niềm tin không? Hay những người phát động, kêu gọi nghĩ rằng khuyến mại kích cầu chỉ mang tính hình thức cho có?"
Phân tích động cơ của việc tăng giá vé tham quan, ông Hoan nhấn mạnh: Rất nhiều địa phương cho rằng giá vé tham quan là nguồn thu chính. Họ nghĩ rằng khách đến du lịch đã phải chi tiêu rất nhiều rồi, nên giá vé có cao hơn một chút họ vẫn đi.
Có thể trong thực tế điều đó không sai, nhưng điều này rất bất lợi cho DN du lịch. Để có thể giảm giá, tất cả những nhà cung cấp dịch vụ của một tour du lịch đều phải tính toán rất chặt chẽ xem chỗ nào có thể cắt giảm, chỗ nào không.
Để hưởng ứng chủ trương kích cầu của ngành du lịch phát động, thu hút thêm khách đi du lịch trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều lữ hành đã phải gồng mình lấy công làm lãi, chấp nhận giảm bớt lợi nhuận. Tuy nhiên, để có một sản phẩm kích cầu cần sự phối hợp, đồng sức của mọi bộ phận cấu thành nên một sản phẩm du lịch.
“Trong khi chúng tôi thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chỗ này chỗ kia… thì cơ quan quản lý điểm đến lại tăng giá vé thì thật là bất hợp lý. Điều này vừa thể hiện sự thiếu tinh thần hợp tác vì mục tiêu chung, vừa cho thấy thái độ trục lợi trên sự cố gắng của những người khác. Vì chúng tôi giảm giá kích cầu để tăng lượng khách đến tham quan và điểm tham quan thì tăng giá vé rồi ung dung ngồi thu tiền gấp bội”, ông Hoan bức xúc.
Tăng giá vé phải tương xứng với chất lượng dịch vụ
Còn Tổng Giám đốc lữ hành Hanoitourist Nguyễn Đức Kế thì cho rằng: Công bằng mà nói, giá vé di tích, danh thắng tăng cũng là điều bắt buộc. So với nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc… giá vé tham quan của nước ta không phải là cao, thậm chí còn rất thấp.
Nhưng, khi tăng giá vé tham quan, các đơn vị quản lý danh thắng cần tính đến nhiều yếu tố, nếu không, lợi bất cập hại.
Ông Kế phân tích: Bản chất vấn đề nằm ở 2 khía cạnh. Thứ nhất là sự hợp tác về dịch vụ với lữ hành. Thực tế, giá trị của giá vé di tích, danh thắng trong các tour trọn gói không cao. Nhưng khi giá vé tham quan tăng lên, DN du lịch phải cân đối để đảm bảo rằng số tiền chênh lệch giá vé đó coi như khách được khuyến mại, có như thế khách mới không thắc mắc. Vì vậy, việc tăng giá vé cần có lộ trình và có sự bàn bạc với lữ hành là đối tác đưa khách đến.
Thứ hai, việc tăng giá vé cần phải đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ khách. Khi đó, chắc chắn lữ hành sẽ rất hoan nghênh và du khách không cảm thấy tiếc tiền. Anh tăng giá vé, nhưng thái độ phục vụ nhân viên vẫn thế, nhà vệ sinh vẫn nhếch nhác, người bán hàng rong vẫn chèo kéo khách, rác thải xả bừa bãi… thì thật khó chấp nhận.
Bà Đào Huyền Châu, Giám đốc Công ty Châu Anh (chuyên khách Đài Loan) cũng cho rằng, so với các nước khác, giá vé tham quan của Việt Nam không đắt nhưng vấn đề nằm ở cách thực hiện.
Chẳng hạn như điểm du lịch Tam Cốc (Ninh Bình), trước vé tham quan chỉ 70.000 đồng, nay tăng lên 130.000 đồng, rồi lại lên tới 195.000 đồng chỉ trong chưa đầy 1 năm.
Ban Quản lý khu du lịch tăng giá vé, ít nhất trước mắt họ không bị ảnh hưởng. Lượng khách có thể ít đi, nhưng doanh thu vẫn tăng. Song DN du lịch sẽ lĩnh đủ.
Ông Nguyễn Công Hoan cho hay: “Những hợp đồng ngắn hạn đã chào bán với khách hàng thì công ty du lịch không tăng giá vì loại hợp đồng này không nhiều. Nhưng với những hợp đồng dài hạn, khi giá vé tham quan cứ tăng trong thời gian dài, bắt buộc DN phải tăng giá. Nhưng khi khách đã chốt giá với công ty du lịch rồi mà công ty lại tăng giá thì khách sẽ phản ứng rất nhiều. Khi đó, ngoài tổn thất về doanh thu, uy tín của chúng tôi bị ảnh hưởng rất mạnh. Để giữ khách, bảo toàn uy tín, gần như công ty sẽ chịu thiệt số tiền này”.
“Chúng tôi bán tour theo một series, từ một năm đến nửa năm trước. Nhưng các điểm quan quan thích tăng là tăng, không có thông báo, không lộ trình, không đàm phán được gì cả, khiến chúng tôi không thể nào điều chỉnh kịp”, bà Huyền Châu bức xúc.
Đầu năm 2014, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã tăng giá vé tham quan lên gấp đôi. Cách đây 3 tháng, giá vé tham quan tại các điểm du lịch ở Lào Cai đã tăng gấp 3 lần so với trước đó. Kể từ tháng 11/2014, tất cả các khu du lịch tại Đà Lạt đã tăng giá vé tham quan lên gấp 2 lần.
Tuy nhiên, đáng kể nhất phải kể đến mức phí tham quan mới do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công bố, áp dụng đối với các di tích trong cố đô Huế. Theo đó, từ 4/2015, du khách trong nước và quốc tế đều có chung mức phí. Cụ thể, đối với Hoàng cung Huế (Đại Nội-Bảo tàng cổ vật cung đình Huế), giá vé người lớn là 210.000 đồng, trẻ em 60.000 đồng. Các khu di tích lăng mộ, cung điện… khác, giá vé người lớn dao động từ 70.000-150.000 đồng; trẻ em từ 20.000-40.000 đồng. Như vậy, so với mức giá vé tham quan hiện nay đang áp dụng cho khách quốc tế chỉ từ 40.000 đồng-105.000 đồng/người/điểm/lượt và khách trong nước từ 30.000 đồng-75.000 đồng đồng/người/điểm/lượt, thì mức giá này cao hơn hẳn. |
Nguyệt Hà