Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Tư pháp cho biết, tính đến hết năm 2015, trong số 125.083 thôn, làng được rà soát, có 109.698 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 87,7%); có 6.694 bản hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt; 3.260 bản hương ước, quy ước đang xây dựng. Nhận thức của chính quyền các cấp, của các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước đối với quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư được nâng lên. Hương ước, quy ước đã khẳng định được vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư; góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Tuy vậy, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước còn một số tồn tại, hạn chế: Một số hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân, sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại pháp luật và chủ trương chính sách của nhà nước, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương. Việc xây dựng, thực hiện hương ước nhiều nơi còn hình thức, phong trào, kém hiệu quả; công tác phối hợp, phân công trách nhiệm chưa rõ. Hạn chế đó làm sai lệch bản chất, suy giảm vai trò, vị trí của hương ước, quy ước với tư cách là thiết chế tự quản của cộng đồng dân cư.
Nguyên nhân của hạn chế trên chủ yếu là do pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã ban hành từ lâu; chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã đề xuất dự thảo Quyết định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước với quan điểm pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chỉ định hướng, không hành chính hóa, dễ hiểu, dễ áp dụng; quán triệt quan điểm kế thừa, phát triển các quy định còn phù hợp; khắc phục tồn tại, hạn chế từ thực tiễn; sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước
Theo dự thảo, việc xây dựng hương ước, quy ước phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc và của địa phương; bảo đảm sự tự nguyện, dựa trên nhu cầu của Nhân dân, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân tại cơ sở; không đặt ra những quy định trái pháp luật, hạn chế quyền con người, quyền công dân; bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, tập quán tiến bộ, tích cực; loại bỏ phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với thực tiễn địa bàn dân cư.
Việc thực hiện hương ước, quy ước phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Chỉ áp dụng hương ước, quy ước khi pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ, mang tính nguyên tắc tại thời điểm quan hệ xã hội phát sinh; đề cao tinh thần tự nguyện, tự giác; phát huy vai trò của các thiết chế tự quản trong cộng đồng trong giám sát việc thực hiện hương ước, quy ước; khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của pháp luật hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, hương ước, quy ước phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.