• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tăng nhân lực cho Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại Bình Dương và Tiền Giang

(Chinhphu.vn) - Chiều tối 12/8, sau 6 ngày tức tốc thiết lập, nâng cấp một phần từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex (Bình Dương), Trung tâm hồi sức COVID-19 Bình Dương chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm này sẽ điều trị bệnh nhân ở mức nặng, với quy mô trên 437 giường.

12/08/2021 21:00

Lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Bình Dương kiểm tra Trung tâm hồi sức tích cực Bình Dương bắt đầu đi vào hoạt động - Ảnh: VGP/Văn Đạo

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đây là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương, đặc biệt là sự hỗ trợ về công tác nhân lực, trang thiết bị y tế từ phía Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 

Thứ trưởng cũng cho biết, ngay khi số lượng người nhiễm COVID-19 tăng cao, kéo theo các ca chuyển biến nặng nhiều hơn, UBND tỉnh Bình Dương, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã chủ động đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thành lập Trung tâm Hồi sức COVID-19. 

"Trong công tác điều trị đối với bệnh nhân COVID-19 ở đợt dịch lần thứ 4 này đã có nhiều điều chỉnh, như sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm sớm hơn, bắt đầu áp dụng các thuốc kháng virus để giảm lượng virus cho người bệnh ngay từ khi mới nhiễm. Bên cạnh đó, các biện pháp tốt nhất về hồi sức cấp cứu như máy thở chức năng cao, máy lọc máu, ECMO…cũng đã được đưa vào hoạt động, giúp cứu người bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết. 

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức cấp cứu này cho biết, việc thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 được thực hiện rất nhanh nhờ trưng dụng sẵn hệ thống cơ sở vật chất, một số máy móc tối tân của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex.  Tập trung nâng cấp thêm các phòng chức năng để tăng số giường ICU, gắn thêm các đầu oxy, khí nén, trang bị thêm máy thở, máy lọc máu... Tại đây, có thể triển khai tốt kỹ thuật ECMO để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nguy kịch.

Về nguồn lực, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, lực lượng chính của Trung tâm từ 4 đơn vị tham gia cấp cứu, điều trị, gồm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex, Bệnh viện Đa khoa Bình Dương và đội ngũ y bác sĩ chi viện từ nhiều nơi, đặc biệt từ các tỉnh phía bắc. 

Quy mô Trung tâm hồi sức COVID-19 Bình Dương có tổng số 437 giường, trong đó có 300 giường cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, 37 giường điều trị bệnh nhân nguy kịch, 100 giường điều trị bệnh nhân trung bình và có chuyển biến nặng. 

*Cũng trong ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đi kiểm tra Trung tâm hồi sức tích cực đầu tiên của tỉnh Tiền Giang đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang, do Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang quản lý, được đưa vào hoạt động từ ngày 28/7.

Đây là cơ sở điều trị thuộc tầng thứ 3 trong tháp điều trị đã được Bộ Y tế quy định, với công suất tối đa 100 giường bệnh. Tính từ khi thành lập đến nay, cơ sở này đã thu dung và điều trị cho tổng cộng 145 bệnh nhân diễn biến nặng, cần chăm sóc đặc biệt. Trung tâm đang điều trị cho 80 bệnh nhân. 

Ông Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang cho biết, hiện tại Trung tâm có tổng cộng 28 bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu. Cách đây một tuần, Trung tâm đã được chi viện thêm 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng từ Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) chuyên ngành hồi sức tích cực. Các bác sĩ, điều dưỡng được phân công làm việc 3 ca 4 kíp, với mỗi ca 5 bác sĩ, 12 điều dưỡng và các bộ phận hành chính liên quan.

Về trang thiết bị, Trung tâm đã được trang bị cơ bản đầy đủ những trang thiết bị y tế hiện đại, trong đó bao gồm 90 giường hồi sức tích cực, 45 máy thở chức năng cao, 5 máy lọc thận, 1 máy ECMO...

Do tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo việc phối hợp với các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang nhanh chóng triển khai công tác tập huấn cho lực lượng y tế trên địa bàn tỉnh theo phần tầng điều trị đã được Bộ Y tế quy định. Theo đó, tuỳ vào mức độ diễn biến của người bệnh để có các phương án điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, Bệnh viện cần thành lập các tổ chuyên môn với trình độ cao về hồi sức cấp cứu, nội hô hấp, nội tim mạch; thiết lập phòng hội chẩn, kịp thời tiếp nhận thông tin, hỗ trợ điều trị cho các cơ sở y tế tuyến dưới. 

Đặc biệt, Trung tâm hồi sức cần kết nối hội chẩn quốc gia với các chuyên gia đầu ngành tại Cục Quản lý khám chữa  bệnh, Bộ Y tế để kịp thời tham vấn trong những trường hợp cần thiết.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và thực hiện phải sớm hơn, tại TPHCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch COVID-19, Bộ Y tế đã ngay lập tức tăng cường các trung tâm hồi sức tích cực đặt tại 12 bệnh viện, đồng thời huy động đội ngũ nhân lực tinh nhuệ để hỗ trợ các địa phương thiết lập các Trung tâm này.

Hiền Minh