Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Sử dụng hiệu quả phế, phụ phẩm nông nghiệp để cải thiện độ phì đất, tăng năng suất cây trồng và giảm phát khí thải nhà kính (CO2), do Đại sứ quán Anh và Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 29/2.
Bên cạnh những thành tựu, vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn đang gây nhiều bức xúc. Theo tính toán, hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng năm phát thải 84,5 triệu tấn chất thải từ trồng trọt, 82,5 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi, tương đương 65,1 triệu tấn CO2, chiếm 43,1% tổng lượng khí thải nhà kính của cả nước.
Chính vì vậy, việc tăng cường sử dụng các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp là giải pháp hết sức quan trọng để phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp, thân thiện với môi trường, hướng tới nền nông nghiệp carbon thấp.
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ trong nước khoảng 13 triệu tấn, do đó, việc sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất phân hữu cơ rất khả thi, cải tạo độ màu mỡ nguồn tài nguyên đất, giảm khí thải.
Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, với trên 500.000 công trình khí sinh học trên cả nước như hiện nay, sản xuất ra khoảng 450 triệu m3 khí gas/năm, tiềm năng sẽ giảm khoảng 22,6 triệu tấn CO2 và tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng chất đốt/năm.
Được biết, Bộ NNPTNT đã có nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính như Đề án giảm 20% phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, Chương trình bảo vệ và cải thiện môi trường nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020…
Đỗ Hương