• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tăng viện phí, duy trì hỗ trợ bệnh nhân nghèo

(Chinhphu.vn) – Đến thời điểm này, nhiều bệnh viện đã tăng viện phí. Cổng TTĐT Chính phủ đã tiếp nhận những thông tin chia sẻ của người chữa bệnh, của một số bệnh viện và cả những người làm chính sách về vấn đề này.

07/08/2012 18:56

Tăng viện phí: Cần thiết nhưng phải minh bạch

Chị Phạm Thị Hương Giang (Thường Tín, Hà Nội) - Ảnh: Chinhphu.vn

Tại bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Huệ (Quảng Ninh), khá ngạc nhiên khi phải trả thêm 100.000 đồng so với những lần lấy thuốc định kỳ trước. Khi biết các bệnh viện bắt đầu thực hiện tăng phí các dịch vụ, bà Huệ băn khoăn vì tại quầy đăng ký khám cũng như quầy thanh toán, không hề có thông báo cũng như bảng giá dịch vụ mới mà chỉ có bảng giá cũ.

Theo bà Huệ, việc tăng viện phí cũng là hợp lý nếu các dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao. “Nhưng tăng như thế nào, tăng bao giờ, tôi nghĩ bệnh viện phải là nơi đầu tiên thông báo cho chúng tôi, những bệnh nhân, người trực tiếp bỏ chi phí để hưởng dịch vụ. Việc công khai mức tăng viện phí sẽ giúp người bệnh đánh giá chất lượng dịch vụ mà họ được thụ hưởng”, bà Huệ chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Huệ (Quảng Ninh) - Ảnh: Chinhphu.vn 

Cũng bất ngờ về thông tin tăng viện phí nhưng chị Bùi Thị Thanh (Thái Bình), hiện đang chăm sóc con trai nằm tại Bệnh viện Việt Đức lại ủng hộ việc tăng phí dịch vụ khám chữa, bệnh.

Theo chị Thanh, y tế là một “hàng hóa, dịch vụ  đặc biệt” nhưng cũng như các “sản phẩm” khác. Nếu “sản phẩm” có chất lượng và giá tăng hợp lý thì cũng là điều cần thiết. Tuy nhiên, chị Thanh cho rằng, bệnh viện tính toán tăng viện phí phải đúng và phù hợp với chất lượng dịch vụ.

Đi khám thai định kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị Phạm Thị Hương Giang (Thường Tín, Hà Nội), đã biết đến việc tăng viện phí qua các phương tiện báo, đài nhưng tăng bao nhiêu thì chị hoàn toàn không nắm rõ.

Tuyên truyền để người dân không “sốc” vì tăng viện phí

Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, Tổ thẩm định của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã phối hợp thẩm định và trình Bộ Y tế quy định giá cho 5 bệnh viện Trung ương là: Bạch Mai, Việt Đức, K, Viện Huyết học truyền máu TW, bệnh viện Việt Nam - Thụy điển Uông Bí.

Các bệnh viện Trung ương còn lại đang hoàn chỉnh cơ cấu giá để thẩm định, phê duyệt và dự kiến trong quý III năm nay, hầu hết các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ đưa viện phí mới vào áp dụng.

Ngày 3/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu các bệnh viện thực hiện ngay việc công khai bảng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và bố trí bảng giá tại khu vực dễ quan sát.

Để người dân không bị ngỡ ngàng trước việc tăng viện phí, công tác tuyên truyền đã được nhiều bệnh viện chú trọng.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, Bệnh viện được phép tăng giá từ ngày 1/8/2012 nhưng dự kiến đến ngày 15/8/2012 mới áp dụng giá viện phí mới.

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ Bệnh viện đã dán thông báo thay đổi mức viện phí tại các phòng, khoa. Ngoài ra, để chủ động đưa thông tin đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân một cách nhanh chóng, bệnh viện thực hiện phương châm mỗi y, bác sĩ, cán bộ là một tuyên truyền viên.

Còn theo ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện K, ngay sau khi nhận được Quyết định của Bộ Y tế về ban hành Bảng giá tại bệnh viện K, Bệnh viện đã gửi thông báo đến các khoa, phòng để nghiên cứu và tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

Ông Quân cho biết thêm, việc điều chỉnh giá viện phí lần này có tác động đến bệnh nhân tại Bệnh viện K, nhưng tác động không nhiều bởi việc điều chỉnh mới tính 3/7 yếu tố chi phí, 3 yếu tố này để phục vụ trực tiếp người bệnh, người bệnh sẽ được phục vụ tốt hơn, được cung cấp đầy đủ hơn về vật tư tiêu hao. Mặt khác, đối tượng bệnh nhân tại đây chủ yếu có thẻ BHYT nên phần cùng chi trả cũng không lớn.

Cải thiện từng bước chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh

Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) - Ảnh: Chinhphu.vn

Việc tăng giá viện phí cũng đòi hỏi các bệnh viện chú trọng hơn đến chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất cho việc điều trị, khám chữa bệnh.

Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bệnh viện đã tăng cường thêm các bàn khám bệnh, chuyển địa điểm cấp phát thuốc đến nơi rộng rãi hơn. Bổ sung thêm quạt chống nóng, phục vụ nước uống cho bệnh nhân tại các phòng khám. Bộ phận điều dưỡng được tập huấn, bổ sung kiến thức về chăm sóc bệnh nhân cũng như thái độ, ứng xử với bệnh nhân và người nhà.

“Chúng tôi đang phấn đấu trước mắt không để bệnh nhân phải nằm ghép giường. Trong thời gian tới cố gắng cải thiện từng bước những dịch vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân làm sao để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi vào viện sẽ bớt đi tâm lý lo lắng, bất an và đặt niềm tin vào bệnh viện”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện sử dụng tối thiểu 15% số thu tiền khám bệnh, tiền ngày giường bệnh theo giá viện phí mới thu được để cải tạo, nâng cấp khu vực khám bệnh, các buồng bệnh, mua sắm bàn, ghế, giường, tủ, công cụ, dụng cụ phục vụ khám, chữa bệnh, trang bị quạt, điều hòa... tại các phòng khám và buồng bệnh.... Bệnh viện nào chưa trang bị được điều hoà thì không được tính chi phí này trong giá dịch vụ.

Sau 3 - 6 tháng thực hiện, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo việc kiểm tra tại các bệnh viện  TW, chỉ đạo Sở Y tế và BHXH các tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện tại một số bệnh viện. Trong quá trình kiểm tra, nếu thấy có điểm nào bất hợp lý sẽ kiến nghị với Bộ và HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Bệnh viện nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá đã điều chỉnh sẽ bị yêu cầu hạ giá xuống.

Giải tỏa lo lắng của bệnh nhân nghèo

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Chinhphu.vn

Lo lắng, băn khoăn nhiều nhất về việc tăng viện phí là  người nghèo. Với những bệnh nhân nghèo, tăng chi phí dù ít dù nhiều đồng nghĩa với tăng gánh nặng lên đôi vai và tâm trí họ.

Chia sẻ những băn khoăn, lo lắng đó của người nghèo, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh bố trí kinh phí để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo mua thẻ BHYT, cấp kinh phí cho Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh người nghèo của tỉnh để hỗ trợ các trường hợp đồng chi trả lớn, bị bệnh nặng, hiểm nghèo.

Thực tế, theo ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện K, trong triển khai thực hiện khám chữa bệnh tại Bệnh viện K, Bệnh viện luôn quan tâm đến người nghèo, bên cạnh đó còn kêu gọi và phối hợp với các tổ chức từ thiện tổ chức và cung cấp các suất ăn miễn phí, tặng quà cho người bệnh. Trường hợp người nghèo khó khăn quá, không có khả năng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh thì hiện nay Bệnh viện vẫn phải xem xét và thực hiện miễn, giảm viện phí cho người bệnh. 

Ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện K -Ảnh: Chinhphu.vn

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Ngoài việc các hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn được UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ mua BHYT thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, Bệnh viện có những chính sách giảm mức thu riêng. Đối với các trường hợp bệnh nhân không đủ khả năng thanh toán viện phí, bệnh viện cũng nhận được hỗ trợ của UBND tỉnh Khánh Hòa bằng “Quỹ rủi ro”.

“Bệnh viện sẽ tiếp tục các chính sách với các hộ nghèo như trước đây”, Bác sĩ Tiến khẳng định.

Đó cũng là lời khẳng định của ông Trần Trương Diễn, Trưởng phòng hành chính Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển. Ông Diễn còn cho biết thêm: Trước đây Bệnh viện vẫn luôn có chế độ ưu đãi đối với trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và không có khả năng chi trả như giảm phí điều trị đến áp dụng thu 0% với những trường hợp đặc biệt.

Hằng Hoa - Thủy Hoài