Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đó là ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại các trường chính trị" do Cụm Thi đua các trường chính trị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa tổ chức.
Bám sát Quy định số 11 của Ban Bí thư
Theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường chính trị cấp tỉnh.
Các tiêu chí theo Quy định này đòi hỏi trường chính trị cấp tỉnh chú trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thông qua việc thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương, có sự đóng góp thiết thực, cụ thể, thể hiện vị trí, vai trò trong tham gia tổng kết thực tiễn tại địa phương hoặc ngành, lĩnh vực.
Tại hội thảo, 9 tham luận của các trường chính trị thuộc Cụm Thi đua các trường chính trị khu vực ĐBSCL và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho thấy mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, đánh giá, tổng kết những mặt được, chưa được trong công tác nghiên cứu khoa học.
Các tham luận tập trung phân tích thực trạng, những ưu điểm, hạn chế của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tham mưu cho các Tỉnh ủy trong hoạch định chủ trương, cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời các tham luận cũng đã tổng kết thực tiễn của từng trường chính trị ở các địa phương, phân tích nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị trước yêu cầu mới.
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, các trường đã thu hút được nhiều nhà khoa học quan tâm với số lượng bài viết và nhiều ý kiến đóng góp, giao lưu trao đổi, chia sẻ với nhiều kiến thức thực tiễn phong phú.
Kết quả nói trên là do các trường chính trị đã bám sát Quy định 09 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động của trường chính trị
Qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, các trường đã có điều kiện để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy những vấn đề thực tiễn, góp phần xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vì vậy, ông Lê Đức Thọ cho rằng cần nâng tầm các trường chính trị trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học ở các địa phương. Lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đối với trường chính trị.
Trong đó có cơ chế đặt hàng các công trình, đề tài nghiên cứu; giao nhiệm vụ tổng kết thực tiễn; định kỳ gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin; tạo điều kiện cho giảng viên, viên chức tham dự các cuộc họp của tỉnh, kể các các cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện; tạo điều kiện cho các nhà trường tham gia đi thực tế cơ sở để giúp giảng viên nắm bắt thực tiễn sát hơn nữa…
Nâng tầm các trường chính trị
Đối với các trường chính trị, ông Lê Đức Thọ đề nghị cần phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học của tỉnh, nhất là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh, tổ chức các hội thảo khoa học cấp tỉnh.
Bám sát, nắm vững chiến lược phát triển địa phương, nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố các nhiệm kỳ, nghị quyết tỉnh ủy, thành ủy hằng năm; tình hình thực tiễn của địa phương; các chương trình phát triển của địa phương;… để chủ động đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn;… phục vụ cho địa phương.
Ví dụ, các trường có thể triển khai các đề tài nghiên cứu thực hiện Nghị quyết 18, 19, 20, 21 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về xây dựng Đảng, về quản lý đất đai, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tập thể; về liên kết vùng, tiểu vùng; chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực; hay quy hoạch lại các trường đào tạo sau phổ thông của tỉnh; về phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng mới; thích ứng và phòng chống biến đổi khí hậu; phát triển đô thị… Đây là những đề tài hết sức thiết thực với các địa phương.
Bên cạnh đó, chủ động liên hệ và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cùng thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn gắn với thế mạnh của trường; phối hợp với các học viện, các trường đại học trong khu vực tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.
Để nâng chất nội lực, các trường cần có kế hoạch bồi dưỡng lực lượng giảng viên, viên chức có năng lực thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm với các trường chính trị để có cách làm hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn ở địa phương và nghiên cứu khoa học.
Tập trung xây dựng kế hoạch, đề xuất nhiệm vụ tổng kết thực tiễn địa phương đáp ứng yêu cầu không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo - bồi dưỡng của trường mà còn gắn với đề xuất việc hoạch định chủ trương, chính sách, cơ chế phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở địa phương. Qua đó tạo bước chuyển mới để nâng cao vị thế của trường chính trị là trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của tỉnh, của khu vực ĐBSCL.
Nguyễn Phương