Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ TT&TT cho biết, Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24/11/2023 tại kỳ họp thứ 6 và được Chủ tịch nước công bố tại Lệnh số 11/2023/L-CTN ngày 01/12/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có hiệu lực từ ngày 01/01/2025).
Luật Viễn thông là văn bản có phạm vi tác động rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực của hoạt động viễn thông, từ hạ tầng viễn thông, dịch vụ viễn thông, đến quản lý nhà nước về viễn thông. Một số quy định có tính mới trong luật cần có hướng dẫn chi tiết để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực thi như: Hình thức cấp giấy phép viễn thông (cấp phép riêng, cấp phép nhóm); hình thức đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý thẻ và tài khoản SIM; quản lý thông tin thuê bao, cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới,...
Ngoài ra, pháp luật viễn thông hiện hành (Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông 2009, sau đây gọi là Nghị định 25) được Chính phủ ban hành ngày 06/4/2011, có hiệu lực từ ngày 01/6/2011 là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, góp phần cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý về viễn thông, tạo cơ sở để triển khai thực thi hiệu quả Luật Viễn thông. Sau hơn 12 năm thi hành Nghị định cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
Do đó, việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông là cần thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong cách tổ chức thực thi một số quy định của Luật Viễn thông; tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Viễn thông vào thực tiễn cuộc sống; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định tại Luật Viễn thông.
Dự thảo Nghị định bao gồm 07 Chương, 87 Điều, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông:
Chương I: gồm 01 Điều, quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Chương II: gồm 29 Điều, từ Điều 2 đến Điều 30 quy định về kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Chương III: gồm 20 Điều, từ Điều 31 đến Điều 50 quy định về cấp phép viễn thông.
Chương IV: gồm 02 Điều, từ Điều 51 đến Điều 52 quy định về quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng viễn thông.
Chương V: gồm 28 Điều, từ Điều 53 đến Điều 80 quy định về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương.
Chương VI: gồm 04 Điều, từ Điều 81 đến Điều 84 quy định về công trình viễn thông.
Chương VII: gồm 03 Điều, từ Điều 85 đến Điều 87 quy định về điều khoản thi hành.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức