• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến tư duy bảo vệ môi trường

(Chinhphu.vn) – Công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

23/12/2022 17:06
Tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến tư duy bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ngành TN&MT cần phải phát huy hơn nữa tinh thần "chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả"

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà khẳng định như trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của ngành TN&MT ngày 23/12. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Khơi thông các điểm nghẽn, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài nguyên

Báo cáo của Bộ TN&MT khẳng định, Đảng và Nhà nước với tầm nhìn chiến lược, đã có những quyết sách quan trọng trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường; chủ động hội nhập với xu thế phát triển của thế giới để chuyển hóa các thách thức, tận dụng các thời cơ đưa đất nước phát triển trên con đường xanh. 

Các sản phẩm "made in Việt Nam" đã vượt qua các rào cản về môi trường, tiêu chuẩn về phát thải để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm và động lực tăng trưởng mới, mang đến một tương lai sạch hơn, xanh hơn cho đất nước. Đây là xu thế phát triển phù hợp với "Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trong 15 năm tới".

Không nằm ngoài xu thế đó, trong năm 2022, các hoạt động của ngành TN&MT đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; đề xuất các giải pháp, khơi thông các điểm nghẽn nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên.

Đáng chú ý, ngành TN&MT đã hoàn thành xử lý triệt để 372/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 91% số khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường với tổng công suất tối đa đạt khoảng 1,24 triệu m3 nước thải/ngày đêm.

Ngành TN&MT cũng tập trung nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị ô nhiễm. Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, hướng dẫn mô hình, công nghệ xử lý, tái chế xử lý chất thải rắn thân thiện môi trường, công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, giảm dần việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp.

Đến nay, 11 nhà máy xử lý rác thải theo mô hình đốt rác phát điện được triển khai ở Hà Nội, Cần Thơ, TPHCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Phú Thọ,… với công suất trên 16 nghìn tấn/ngày, công suất phát điện 270 MW.

Đặc biệt, số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38% so với năm 2021, tỉ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm mạnh (từ 12,53% năm 2016 xuống 4,03% năm 2021, xuống còn 1,55% năm 2022), các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 về tái chế kim loại, nhựa, giấy và thủy tinh, đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

Một nhiệm vụ rất quan trọng được ngành TN&MT tập trung trong năm 2022 là triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải dựa trên nguyên tắc công bằng, công lý, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Ngành TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đàm phán thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức, thu hút đầu tư từ khối tư nhân để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam; đồng thời tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và các cơ hội thâm nhập thị trường các nước G7, EU của hàng hóa Việt Nam trước các tiêu chuẩn về giảm phát thải (theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon).

Bảo vệ môi trường chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành TN&MT đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những rào cản để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo được nâng cao, cung cấp thông tin về thời tiết, thủy văn môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an toàn, sức khoẻ cộng đồng...

Theo Bộ trưởng, năm 2023, thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do khủng hoảng khí hậu, môi trường; xung đột vũ trang, cạnh tranh chiến lược của các cường quốc, các "luật chơi" mới trong đầu tư, thương mại toàn cầu dựa trên tiêu chuẩn môi trường, phát thải sẽ tác động đến các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, ngành TN&MT cần phải phát huy hơn nữa tinh thần "chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả" trong thực thi công vụ, phục vụ người dân và xã hội.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến tư duy bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Các bộ, ngành và địa phương tập trung thảo luận về công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới

Trong năm 2023, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị toàn ngành cần quyết tâm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, rà soát các kế hoạch hành động phù hợp với tình hình mới, hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch, đảm bảo quỹ đất, tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế, tiếp tục giải quyết các vướng mắc, giải phóng các nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực xã hội cho phát triển. Nguồn thu từ tài nguyên và môi trường đóng góp 18% - 20% thu ngân sách nội địa.

Hai là, chủ động thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng môi trường, hoàn thành mục tiêu 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. Hoàn thành đánh giá khả năng chịu tải, lập phân vùng và hạn ngạch xả nước thải vào các lưu vực sông quan trọng; phục hồi môi trường các sông, hồ.

Ba là, triển khai thực hiện các mục tiêu cam kết về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên đất liền và trên biển đã được thế giới chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học; quyết liệt triển khai cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 với hỗ trợ công nghệ, tài chính từ các đối tác, chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo, giảm phát thải từ sử dụng đất và rừng; thí điểm, nhân rộng các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Bốn là, phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung đa mục tiêu; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.

Năm là, tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện; đơn giản hóa 15% - 20% thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục thiết yếu; đưa chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 2-3%.

Sáu là, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng tài nguyên và môi trường phấn đấu đạt 39% diện tích vùng biển và 75% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỉ lệ 1:50.000.

Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, ngoài nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành TN&MT thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các đồng chí lãnh đạo các ban của Đảng, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương với trí tuệ, tâm huyết tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho ngành về chủ trương lớn, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp, sáng kiến, cơ chế phối hợp, hợp tác để trên cơ sở đó cùng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành TN&MT sẽ xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thành công năm 2023.

Thu Cúc