Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 39 điều sửa đổi nội dung, 70 điều chỉnh sửa câu chữ, bổ sung về kỹ thuật, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 38 điều. Đối với những vấn đề đặt ra cần giải quyết khi thuyết minh trình dự án Luật, đến nay dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bảo đảm đáp ứng theo mục tiêu đề ra.
Luật này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định trong dự thảo luật gồm: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động; hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép; hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Trước khi Quốc hội thảo luận, báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được điều chỉnh theo hướng: Chuyển Mục 5 Chương II về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng, chống gian lận bảo hiểm và Chương VI về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thành Mục 8 và Mục 9 của Chương III về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài vì các quy định tại các mục này đều liên quan đến nội dung hoạt động và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Đồng thời, chuyển Mục 8 Chương III về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào Chương I về những quy định chung vì các quy định tại mục này có phạm vi áp dụng chung cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đảo vị trí giữa Chương IV về bảo hiểm vi mô với Chương V về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để bảo đảm kết cấu liền mạch, dễ theo dõi, đồng thời đổi tên Chương V thành đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, bảo đảm đúng chủ thể của Chương, tương tự như quy định tên Chương III của dự thảo Luật.
Về hợp đồng bảo hiểm (Chương II), ông Vũ Hồng Thanh cho hay, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương này như: Bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…
Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (Chương III), tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành); đồng thời bổ sung khoản 2 Điều 71 quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Liên quan đến nội dung về bảo hiểm vi mô (Chương V), ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường.
Bảo hiểm vi mô thường phát triển ở các nước đang phát triển và được coi là một cấu phần quan trọng trong chính sách tài chính toàn diện của quốc gia, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của nhà nước.
Việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam.
Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Tuy nhiên, để bảo đảm kết cấu chung của dự thảo Luật cũng như tính khả thi của quy định, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung này trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Nguyễn Hoàng