Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Công an cho biết, ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 (Luật số 26/2023/QH15). Luật Căn cước năm 2023 có 07 chương, 46 điều, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và có nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014.
Vì vậy, Luật Căn cước năm 2023 đã đáp ứng được những mục tiêu đặt ra trong quá trình xây dựng, khi có hiệu lực thi hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta; đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Điều này cũng phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, cũng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Luật Căn cước giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung để đảm bảo cho công tác tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:
a) Khoản 26 Điều 9 giao Chính phủ quy định chi tiết về thông tin khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
b) Khoản 11 Điều 10 giao Chính phủ quy định chi tiết về thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
c) Khoản 4 Điều 12 giao Chính phủ quy định chi tiết về xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân của công dân Việt Nam.
d) Khoản 2 Điều 16 giao Chính phủ quy định chi tiết về việc chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu khác ngoài cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16.
đ) Khoản 5 Điều 16 giao Chính phủ quy định chi tiết về thu thập, cập nhật, điều chỉnh, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.
e) Khoản 6 Điều 22 giao Chính phủ quy định chi tiết về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp; quy định trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước.
g) Khoản 5 Điều 23 giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước.
h) Khoản 5 Điều 25 giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
i) Khoản 6 Điều 29 giao Chính phủ quy định chi tiết về việc giữ thẻ căn cước; quy định trình tự, thủ tục thu hồi, giữ, trả lại thẻ căn cước.
k) Khoản 6 Điều 30 giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước; quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại và thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận căn cước.
l) Khoản 4 Điều 41 giao Chính phủ quy định chi tiết về xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân; sao lưu, phục hồi dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước.
Từ những căn cứ nêu trên và để tạo cơ sở pháp lý thống nhất tổ chức thi hành Luật Căn cước năm 2023 thì việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành một số điều của Luật Căn cước là cần thiết.
Dự thảo Nghị định gồm 03 chương, 38 Điều, cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 02 Điều (Điều 1 và Điều 2) quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
- Chương II: Quy định cụ thể, gồm 34 Điều (từ Điều 3 đến Điều 36) quy định về: Thông tin khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân của công dân Việt Nam; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp; trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước...
- Chương III: Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 37 và Điều 38) quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Hoa Hoa