Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hôm nay, 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh châu Âu (EU) đến ngày 21/10.
Thúc đẩy hợp tác đa phương
Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) với chủ đề “châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với với các thách thức toàn cầu” diễn ra tại Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu dự hội nghị.
Từ năm 1996, qua hơn 2 thập kỷ tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEAM.
Việt Nam tham gia đề xuất thúc đẩy hai lần mở rộng ASEM (ASEM 5 năm 2004 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 năm 2009); cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”, “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (năm 2004).
Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực của Diễn đàn với đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như: Văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, tăng trưởng bao trùm, kinh tế số…
Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong - Danube).
Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) diễn ra tại Copenhaghen (Đan Mạch). Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đề ra tầm nhìn, định hướng lớn, các biện pháp, hành động cụ thể về thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Đến nay, P4G đã có 7 quốc gia tham dự bao gồm Đan Mạch (sáng lập), Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya và Colombia cùng với sự tham gia của các tổ chức quốc tế như Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, Viện Tài nguyên thế giới, State of Green, mạng lưới C40 bao gồm 91 quốc gia và lãnh đạo của các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Đẩy mạnh các hợp các song phương
Bên cạnh dự 2 hội nghị quốc tế nêu trên, Thủ tướng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại EU nhằm đẩy mạnh hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và EU.
Năm 1972, khi cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc chưa kết thúc, Cộng hòa Áo là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên duy trì thường xuyên tiếp xúc, trao đổi các đoàn cấp cao, hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn hợp tác Á - Âu, ASEAN - EU.
Thương mại song phương giữa hai nước phát triển tích cực những năm gần đây. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt hơn 4 tỷ USD (tăng 42% so với năm 2016). Áo trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam ở châu Âu. Đến tháng 8/2018, Áo có 31 dự án còn hiệu lực đang đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 143,9 triệu USD, đứng thứ 43 trong tổng số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đối với Bỉ, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/3/1973. Quan hệ hai nước phát triển tích cực sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và trong các khuôn khổ hợp tác ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp (liên bang, vùng và cộng đồng).
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Bỉ ở mức cao do hàng xuất khẩu của Việt Nam qua Bỉ để sang các nước Tây Âu khác (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu). Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Hà Lan, Anh, Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Áo).
Năm 2017, Bỉ có 62 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 595 triệu USD, chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Ủy ban hỗn hợp Việt - Bỉ về hợp tác Khoa học Công nghệ được tổ chức thường kỳ 3 năm/lần là cơ chế kiểm điểm và định hướng các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước.
Hằng năm, Bỉ viện trợ cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo thông qua các chương trình hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu khoảng 2 triệu euro. Gần 300 sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Bỉ.
Đối với Đan Mạch, Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 25/11/1971. Năm 2018 là năm kỷ niệm 5 năm (2013-2018) hai nước Việt Nam - Đan mạch thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Hai bên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các diễn đàn đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN - EU.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 664,6 triệu USD. Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào nước ta. Hiện Đan Mạch có 132 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 686 triệu USD, xếp thứ 26/129 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và thuộc nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam.
Từ 1972 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 1 tỷ USD vốn ODA; trung bình hằng năm đạt khoảng 64 triệu USD/năm.
Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, Đan Mạch là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” (Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác vào tháng 12/2008 tại Hà Nội).
Đối với EU, Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28/11/1990. Năm 1996, EU mở Phái đoàn Đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) tại Hà Nội.
Việt Nam và EU phối hợp tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, ASEM và Liên Hợp Quốc, trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh năng lượng, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, di cư bất hợp pháp...
Năm 2017, EU là đối tác thương mại lớn ba (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt khoảng 50,46 tỷ USD, (tăng 11,9% so với năm 2016). Các nước Đức, Anh, Hà Lan, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Áo và Bỉ là 8 thị trường lớn nhất thuộc EU nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, hàng năm đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 8/2018, đã có 24/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 2.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 24,17 tỷ USD, đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (sau Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore).
EU luôn là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam (EU là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất)./.
An Bình