Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cuộc tọa đàm là dịp để đồng bào ta ở nước ngoài có những trao đổi góp ý về những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những vấn đề mang tính thời sự như: Chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, quốc tịch, căn cước công dân… Đây là cũng là những lĩnh vực được nhiều đồng bào Việt Nam ở nước ngoài quan tâm, đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng dự thảo luật sửa đổi trình Chính phủ và Quốc hội, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, giải quyết các vướng mắc và đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của bà con.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong năm qua có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia "hiến kế" cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…
Năm 2021, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vào khoảng 12,5 tỷ USD; dự báo tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6% - 4,5% trong năm tiếp theo.
Dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu "Lạc hồng" của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức đồng bào ta ở nước ngoài sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước.
Trong những năm qua, công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, quán triệt tinh thần "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước".
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn quan tâm đến đồng bào ta ở nước ngoài; trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, Lãnh đạo Quốc hội đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại; ban hành nhiều chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học.
Để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là "phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, hơn bao giờ hết việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào ta ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm sâu sắc.
Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể chế hoá thông qua các chính sách pháp luật trong nhiều lĩnh vực như quốc tịch, xuất cảnh, nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, lao động..., nhằm hỗ trợ, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời phát huy tinh thần yêu nước và nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Triển khai Kết luận 12 và Chương trình hành động của Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã triển khai rà soát chính sách pháp luật bằng nhiều phương thức khác nhau như: Lấy ý kiến của các cơ quan chức năng trong nước, các hội đoàn và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về chính sách pháp luật; vận hành chương trình "Khảo sát toàn diện ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan" và tổ chức các tọa đàm với kiều bào tại các nước.
Trong năm 2022, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, trong khuôn khổ chương trình giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài" đã tổ chức thành công hai cuộc tọa đàm: Tọa đàm về chính sách pháp luật, trọng tâm là quốc tịch với cộng đồng người Việt Nam tại CH Czech và tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại 7 nước châu Âu (đại diện là các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, Hungary, Czech). Nhiều ý kiến của bà con đã được các cơ quan chức năng ghi nhận và xem xét, tiếp thu.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở có liên quan đến việc người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà, sử dụng đất ở Việt Nam.
Các cơ quan chức năng cũng đã lắng nghe, ghi nhận những ý kiến của đồng bào ta ở nước ngoài về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đó là cơ sở để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn, kinh doanh và đầu tư tại quê hương, góp phần thu hút nguồn lực tri thức và kinh tế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Diệp Anh