Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính cho biết, đối với quỹ nhà chuyên dùng (không sử dụng vào mục đích để ở): Việc hình thành quỹ nhà chuyên dùng được bắt nguồn từ việc tiếp quản các quỹ nhà sau giải phóng Thủ đô và giải phóng Miền Nam, quỹ nhà thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân, sau đó Nhà nước giao cho các Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý để cho thuê; một phần nhà, đất được hình thành sau này do tiếp nhận quỹ nhà, đất dôi dư khi Nhà nước thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước hoặc tiếp nhận từ các chủ đầu tư để giữ lại, bố trí cho các đơn vị của tỉnh, thành phố sử dụng, cho các tổ chức, cá nhân thuê để sử dụng làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Loại hình của "Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà", phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà, phương thức khai thác, xử lý nhà, đất… hiện nay còn có sự khác nhau giữa các địa phương. Trong 31 tỉnh, thành phố có quỹ nhà này, thành phố Hà Nội có 839 địa điểm do Uỷ ban nhân dân 02 quận/thị xã và 02 doanh nghiệp (100% vốn Nhà nước) quản lý cho các Tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức kinh tế của nhà nước thuê hoặc bố trí cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức lại sử dụng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Trước ngày 06/6/2013, công tác quản lý nhà cũ thuộc sở hữu Nhà nước được giao cho Sở Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các quận/huyện, Công ty TNHH MTV Quản lý, kinh doanh nhà Thành phố và các Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận/huyện làm đơn vị quản lý, giữ hộ Nhà nước; từ năm 2007, với chủ trương xây dựng mô hình tập trung thống nhất một đầu mối quản lý toàn bộ và quỹ nhà, đất thuộc sở hữu toàn dân do địa phương quản lý, Uỷ ban nhân dân Thành phố đã thành lập Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) để tiếp nhận toàn bộ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố để quản lý vận hành.
Mặc dù, pháp luật chuyên ngành có quy định về nguyên tắc quản lý chung cho tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhưng chưa có quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng hiện giao cho các Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý nên thực tế các địa phương còn lúng túng trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và xử lý đối với quỹ nhà, đất này. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở nhà, đất sau khi thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý nhưng chưa thể xử lý được ngay do phải điều chỉnh quy hoạch, nếu không đưa vào khai thác sẽ bị bỏ trống, lãng phí, trong khi nhu cầu thuê rất lớn, đặc biệt là cho thuê để thực hiện các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xã hội hóa. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế để điều chỉnh vấn đề này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tài sản là nhà, đất giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác là tài sản công; vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chế độ quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý là cần thiết và có cơ sở pháp lý.
Mục đích ban hành Nghị định nhằm tạo lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, góp phần quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhà, đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự thảo quy định về các nguyên tắc phải tuân thủ trong quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là khẳng định quỹ nhà, đất do UBND cấp tỉnh giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý là tài sản công và xác định UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý quỹ nhà, đất này ở địa phương cơ quan được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 14 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (chủ yếu là Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường) có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh.
Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất được giao theo quy định tại Nghị định này, đảm bảo duy trì và phát triển quỹ nhà, đất được giao, không làm thất thoát tài sản.
Tổ chức, cá nhân được thuê nhà phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết; nộp tiền thuê đầy đủ, đúng hạn, trả lại nhà khi hết thời hạn thuê hoặc để xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Mọi hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh