Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, hiện tại, dân số Việt Nam vào khoảng 90,5 triệu người, trong đó nhóm trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) chiếm 69% tổng dân số, 31% dân số thuộc nhóm phụ thuộc không nằm trong độ tuổi lao động.
Để đảm bảo trợ cấp cho người lao động khi về hưu, hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) ra đời vào năm 1995 đã bước đầu thiết lập được nền tảng cơ bản cho hệ thống an sinh xã hội với chương trình BHXH bắt buộc (bảo hiểm hưu trí bắt buộc). Tuy nhiên các chương trình BHXH hiện đang gặp nhiều thách thức và có thể ảnh hưởng đến sự bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh bảo hiểm hưu trí bắt buộc của BHXH, trong thời gian qua người lao động tự tích lũy và đầu tư vào các sản phẩm dịch vụ tài chính để chi tiêu khi về già như mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, gửi tiền tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, góp vốn kinh doanh.
Đối với sản phẩm bảo hiểm hưu trí, tính đến hết năm 2014, đã có 42 doanh nghiệp triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí với khoảng 12 nghìn hợp đồng bảo hiểm hưu trí, doanh thu phí bảo hiểm hưu trí đến hết năm 2014 đạt khoảng 190 tỷ đồng.
Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay chưa có đủ điều kiện để triển khai được các chương trình bảo hiểm bổ sung bắt buộc do thu nhập của người dân phần lớn còn ở mức độ trung bình, việc hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện có vai trò quan trọng đối với người lao động, đối với xã hội. Trong đó, quỹ hưu trí tự nguyện là một mô hình các nước đều triển khai và có thể áp dụng tại Việt Nam hiện nay.
Bản chất hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện là người lao động và/hoặc doanh nghiệp sử dụng lao động đóng góp vào các tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí để quỹ thực hiện đầu tư, trên cơ sở kết quả đầu tư quỹ hưu trí chi trả cho người lao động theo số tiền đóng góp và lợi nhuận do hoạt động đầu tư mang lại. |
Bộ Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, việc xây dựng chương trình hưu trí tự nguyện là không đơn giản và trải qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay tại Việt Nam, cần thiết xây dựng Nghị định về quỹ hưu trí nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành và vận hành các quỹ hưu trí này, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia.
Theo đó, quá trình triển khai và áp dụng chương trình hưu trí tự nguyện trong 10 – 15 năm tới là sự chuẩn bị cần thiết và thích hợp khi cơ cấu dân số Việt Nam kết thúc “độ tuổi vàng” và bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Sau khi Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện được ban hành, việc triển khai và áp dụng chương trình hưu trí tự nguyện sẽ giúp Chính phủ đạt được 3 mục tiêu: 1- Khuyến khích và cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính để người lao động gia tăng tiết kiệm cho tương lai khi kết thúc tuổi lao động; 2- Đa dạng hóa các chương trình an sinh xã hội, giúp hình thành đồng bộ hệ thống hưu trí đa trụ cột tại Việt Nam, giảm gánh nặng an sinh xã hội cho nhà nước trong dài hạn; 3- Phát triển thị trường vốn thông qua việc củng cố cơ sở nhà đầu tư vốn dài hạn.
Tham gia trên cơ sở tự nguyện
Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 44 điều. Trong đó nêu rõ nguyên tắc hoạt động quỹ hưu trí. Cụ thể: Doanh nghiệp sử dụng lao động và cá nhân tham gia quỹ hưu trí trên cơ sở tự nguyện. Hoạt động quản lý quỹ hưu trí thực hiện theo nguyên tắc công khai và minh bạch. Tài sản quỹ hưu trí được quản lý tách biệt với tài sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát và tổ chức lưu ký.
Theo dự thảo, Nhà nước khuyến khích phát triển quỹ hưu trí thông qua các chính sách ưu đãi về thuế quy định tại pháp luật về thuế. Đồng thời, quản lý, giám sát hoạt động của quỹ hưu trí thông qua việc ban hành chính sách, chế độ đảm bảo quỹ hưu trí hoạt động công khai, minh bạch bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng tham gia quỹ. Nhà nước không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả của quỹ hưu trí.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn