Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại phiên họp lần thứ 26, UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu về việc tiếp thu, giải trình dự thảo Luật.
Đề cập đến sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất cho giáo dục đại học hoạt động và phát triển.
Tuy nhiên, trước sự vận động, đổi mới cả về tư duy, quan điểm và nhận thức về phát triển giáo dục và đào tạo cũng như đổi mới về hành lang pháp lý, Luật Giáo dục đại học cũng đã bộc lộ một số điểm hạn chế, đặc biệt là vướng mắc trong thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học trước biến động sâu sắc về cơ cấu, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật là cần thiết và để giải quyết những bất cập, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và phát triển giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ chất lượng cao phục vụ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Một trong những nội dung của dự thảo Luật được các đại biểu quan tâm thảo luận đó là phát triển hệ thống đại học tư thục. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch nhằm khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học. Theo đó, cần có chính sách phù hợp để phát triển các trường tư thục; tạo sự công bằng và bình đẳng giữa trường công lập và trường tư thục. Đặc biệt, cần làm rõ khái niệm cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận và chính sách ưu tiên cho mô hình này.
Dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý, làm rõ các khái niệm về trường tư thục, trường tư thục không vì lợi nhuận. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết: không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Dự thảo Luật cũng hướng đến việc quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở giáo dục đại học tư thục vận dụng theo mô hình doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của giáo dục đại học và không thương mại hoá.
Theo đó, yêu cầu tách bạch việc quản lý, sử dụng vốn với hoạt động của nhà trường với yêu cầu nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp trước khi thành lập trường; đề ra lộ trình (10 năm) để các cơ sở giáo dục đại học tư thục hiện nay chuyển đổi theo mô hình này.
Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư thành lập trường tư thục và mối liên quan với Hội đồng trường tư thục; yêu cầu các trường tư thục phải trích tối thiểu 25% chênh lệch thu chi để tái đầu tư cho hoạt động giáo dục.
Trong điều kiện hiện nay, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, với cách quy định như dự thảo Luật làm nhiều đại biểu băn khoăn. Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt vấn đề, ở nước ta đã có loại hình giáo dục đại học phi lợi nhuận này chưa? Nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư vào cho một trường đại học mà thấy tình hình không ổn nhưng lại không được rút ra vì đã có cam kết không được rút vốn ra, nghĩa là chấp nhận rủi ro. Vậy thực tế có khả thi không?
Theo đại biểu Bùi Văn Phương, trong khi chúng ta đang có chủ trương thu hút các nhà đầu tư nhưng đưa ra mô hình thế này thì sẽ khó thu hút được nhà đầu tư. Vì vậy việc xây dựng luật phải trên cơ sở thực tế.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần cân nhắc vấn đề xã hội hóa và trường đại học tư thục không vì lợi nhuận. Có trường nào lập ra lại không vì mục tiêu lợi nhuận và không thu lợi tức, không chia cổ phần không? Tất nhiên, những quy định này đều phục vụ cho mục tiêu tiếp tục tăng cường mở rộng quy mô đào tạo, chất lượng đào tạo của các trường đó chứ không được dùng tiền đó để kinh doanh hoặc mục tiêu khác nhưng cần bám sát vào thực tế hiện nay để quy định nhằm bảo đảm tính khả thi.
Bên cạnh đó, đề cập đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng trường, khoản 2, điều 16 dự thảo Luật quy định, Hội đồng trường tổ chức lấy ý kiến tiếp thu, góp ý toàn thể cán bộ giáo viên về quy định, quy chế của trường trước khi ban hành. Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) băn khoăn, bởi đối với một cơ sở đại học thì có quá nhiều vấn đề cần phải quyết, cái gì cũng chờ để Hội đồng trường lấy ý kiến xong Hiệu trưởng mới được quyết định sẽ vướng.
Từ thực tế thực hiện tự chủ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, nếu đưa vào luật, không thận trọng thì Giám đốc học viện hoặc Hiệu trưởng sẽ vi phạm pháp luật hoặc sợ không dám làm thì cơ sở đào tạo sẽ bị chậm, bỏ lỡ các cơ hội, không thể phát triển được. Do đó, nên chăng Hội đồng trường chỉ ban hành và lấy ý kiến về quy chế tổ chức hoạt động, quy chế quản lý tài chính và tài sản lớn, còn những quy định khác thì để cho Ban giám hiệu và Đảng ủy lấy ý kiến. Còn Hội đồng trường chỉ giám sát vào những chỉ số đầu ra. Hội đồng trường nên tập trung vào những vấn đề lớn, vấn đề chiến lược, các chủ trương lớn, nếu tham gia vào những việc như quy định của dự thảo Luật thì Giám đốc không làm việc được, sẽ giảm tính hiệu quả, tính trách nhiệm cá nhân.
Nguyễn Hoàng