Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ủy ban Dân tộc cho biết, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cơ bản đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử - là văn bản quy phạm pháp luật định hướng tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tế. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nội lực của các DTTS.
Tuy nhiên, qua Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cho thấy Nghị định đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, như: Một số nội dung không còn phù hợp với hệ thống văn bản, pháp luật hiện hành, một số nội dung chưa thống nhất, đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới; một số nội dung chính sách quy định còn chung chung, thiếu chế tài thực hiện, thiếu quy định cơ chế về nguồn lực tài chính; một số chính sách dân tộc đã và đang triển khai trên thực tế nhưng chưa được thể chế hóa vào Nghị định, cụ thể:
Việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển mới dừng lại ở cấp xã và thôn. Việc phân định chỉ sử dụng 01 tiêu chí là số hộ DTTS, không có tiêu chí miền núi dẫn đến trong thực tiễn không xác định được cụ thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là tỉnh, huyện, xã, thôn nào? Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc cũng như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin của vùng đồng bào DTTS&MN; gây khó khăn cho công tác tham mưu, quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của các ngành, các cấp.
Thời gian tổ chức "Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần". Trong khi đó, "Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam được tổ chức định kỳ 10 năm một lần" nên không có sự thống nhất, đồng bộ, liên thông về định kỳ thời gian tổ chức các kỳ đại hội cấp huyện, tỉnh và trung ương, dẫn đến tình trạng trên thực tế những đại biểu dự kỳ Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, tỉnh (đối với kỳ Đại hội không tổ chức ở cấp Trung ương) không được tuyên dương ở cấp Trung ương, không được ghi nhận kịp thời công lao đóng góp, thành tích và khích lệ, động viên đối tượng này.
Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo: Một số quy định về chế độ, chính sách cho người học, quy định về tiếp nhận và phân công công tác đối với người học cử tuyển... chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của các Luật chuyên ngành (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức...) và thống nhất với Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Chính sách cán bộ người DTTS: Chưa có cơ chế ưu tiên đối với DTTS rất ít người, DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù (đây là những DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp; chưa quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo tỷ lệ nêu trên... Do đó, thực tế triển khai chính sách này còn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ người DTTS; số lượng, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở các cơ quan, đơn vị, địa phương chiếm tỷ lệ thấp, không đồng đều.
Chính sách đối với người có uy tín ở vùng DTTS: Hiện nay, đối tượng người có uy tín chưa được tích hợp đầy đủ. Chế độ, chính sách đối với người có uy tín chỉ mang tính động viên, hỗ trợ; cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để người có uy tín thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao chưa cụ thể nên chưa thực sự tạo động lực đối với người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm được giao; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chủ động phát huy vị trí, vai trò của người có uy tín nên chưa quan tâm đến hoạt động, giao nhiệm vụ đối với người có uy tín; kinh phí hằng năm bố trí thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thực hiện chính sách và vận động, phát huy vai trò người có uy tín còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện một số chế độ, chính sách đối với người có uy tín.
Bên cạnh đó, một số quy định quản lý nhà nước về công tác dân tộc, hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc và trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong việc hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền hoặc nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản triển khai thực hiện các nội dung tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP chưa rõ, cụ thể, chưa tạo điều kiện pháp lý để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách trong Nghị định số 05/2011/NĐ-CP.
Xuất phát từ những lý do trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc là hết sức cần thiết.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân triển khai, thực hiện, thụ hưởng chính sách dân tộc; bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh