Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Liên doanh DHN do Tập đoàn Hùng Nhơn (Việt Nam) và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) thành lập và cùng ký kết hợp tác đầu tư vào Tây Ninh chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng.
Tại cuộc họp cho ý kiến đối với đề xuất mở rộng dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus - Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu của Hà Lan (Liên doanh DHN), ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết, Liên doanh DHN đang huy động tất cả các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để kịp khánh thành và đưa vào hoạt động dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đồng thời khởi công hàng loạt các dự án nông nghiệp trọng điểm trong quý II năm 2024, nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Cụ thể, hiện DHN đang triển khai giai đoạn 1 của Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh (có quy mô hơn 39,5 hecta, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng), gồm các hạng mục lớn như xây dựng trang trại sản xuất gà giống; trang trại sản xuất lợn giống cụ kỵ; trang trại nuôi gà thịt xuất khẩu. Đi liền với cụm trang trại chăn nuôi, Liên doanh DHN cũng bắt tay vào xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm nhằm hoàn thiện chuỗi chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra.
Là dự án chăn nuôi trọng điểm có quy mô lớn nhất từ trước tới nay đầu tư vào Tây Ninh nên chính quyền địa phương cũng rất quan tâm tới tiến độ triển khai dự án nói trên. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DHN tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án, mới đây Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Công văn số 7756/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến tại cuộc họp cho ý kiến đối với đề xuất mở rộng dự án nông nghiệp công nghệ cao của DHN.
Theo đó, về chủ trương, UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, đầu tư với Hùng Nhơn và De Heus về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh.
Việc hợp tác này nhằm thể hiện mong muốn có những bước phát triển đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân tỉnh Tây Ninh và là cơ sở để UBND tỉnh Tây Ninh "trải thảm đỏ" cho tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Tây Ninh.
Đến nay UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với đại diện Hùng Nhơn và De Heus nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, giải quyết các thủ tục hành chính, cũng như hỗ trợ chủ đầu tư tìm kiếm các vị trí phù hợp để triển khai cho giai đoạn tiếp theo.
Song song đó, UBND tỉnh đã đề xuất có cơ chế chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án thuộc danh mục ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Tây Ninh.
Việc UBND tỉnh Tây Ninh và các sở, ngành thống nhất mở rộng quy mô đầu tư dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN đã khẳng định uy tín và hiệu quả của mô hình liên doanh giữa 2 tập đoàn nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Hà Lan.
Nhân chuyến thăm và làm việc tại Hà Lan cuối năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong hơn 50 năm qua, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hà Lan đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, sự hợp tác giữa Tập đoàn De Heus (nhà đầu tư lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đến thời điểm này) với Tập đoàn Hùng Nhơn (doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi và nông nghiệp) không chỉ là đòn bẩy cho sự phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam trong tương lai mà còn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương giữa 2 nước.
Vào ngày 2/6/2023, tại TP Tây Ninh, hai tập đoàn đã phối hợp tổ chức Diễn đàn "Kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023" .
Tại Diễn đàn, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với UBND tỉnh Tây Ninh về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2023-2030 tại Tây Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.
Tiếp đó, vào ngày 3/7/2023, De Heus và Hùng Nhơn đã tổ chức Lễ khởi công dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá việc Liên doanh DHN khởi công dự án chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày ký MoU đã cho thấy Hùng Nhơn và De Heus là những doanh nghiệp có uy tín, năng lực và thật sự tâm huyết đầu tư vào Tây Ninh.
"Hy vọng với sự năng động, chuyên nghiệp và kinh nghiệm của mình, Hùng Nhơn và De Heus sẽ hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động đúng như cam kết", Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc kỳ vọng.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, để người nông dân Tây Ninh có thể sống và làm giàu từ nông nghiệp. Với quỹ đất sẵn có, tỉnh đang hình thành 20 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo hướng liên kết chuỗi giá trị gồm: 13 vùng trồng trọt, 5 vùng chăn nuôi, 2 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi, tổng diện tích hơn 11.000 ha.
Kỳ vọng và tin tưởng vào sự đầu tư của Liên doanh DHN, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham đồng thời là Tổng Giám đốc châu Á của De Heus cho rằng, Tây Ninh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, dễ dàng kết nối với thị trường Campuchia. Vai trò này sẽ còn gia tăng mạnh hơn trong thời gian tới khi tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tây Ninh có nguồn tài nguyên đất dồi dào, nên sẽ là mảnh đất hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án cây trồng giá trị cao, chăn nuôi quy mô lớn, nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại.
"Với sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn nhiều kinh nghiệm đến từ châu Âu, sự liên kết của doanh nghiệp trong nước, Tây Ninh có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu và xa hơn nữa là có thể trở thành địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào ngành sản xuất nông nghiệp", ông Gabor Fluit tin tưởng.
Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN tại Tây Ninh được xem là dự án điểm, tiêu biểu cho việc thu hút đầu tư và hỗ trợ giải quyết thủ tục đầu tư nhanh của địa phương, góp phần thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra và xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao cho mảnh đất biên giới Đông Nam Bộ.
Lê Nguyễn