Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Thừa Thiên-Huế Tỉnh cần tập trung mọi nguồn lực xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 với đặc trưng về văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Ảnh: baothuathienhue.vn |
Theo Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội, 5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã nỗ lực phấn đấu, đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, có 15/17 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh kiên trì mục tiêu phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, kinh tế có mức tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước và một số tỉnh miền Trung.
So với năm 2015, quy mô nền kinh tế của tình tăng gấp 1,6 lần. Thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân gần 8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.169 USD Mỹ, đứng thứ 3 ở vùng duyên hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 105.180 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 11%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 4%/năm.
Lĩnh vực dịch vụ của tỉnh phát triển đa dạng, chiếm 48% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đóng vai trò chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị thế là trung tâm du lịch lớn, đặc sắc của quốc gia và quốc tế.
Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh hiện chiếm 11% trong GRDP, đã bước đầu hình thành các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, kinh tế biển và đầm phá gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo được chú trọng. Hạ tầng cảng biển, cảng cá, các tuyến đường, các khu du lịch ven biển, đầm phá được quan tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả.
Tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận về định hướng phát triển Thừa Thiên-Huế trong nhiệm kỳ mới. Mục tiêu là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiến-Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên-Huế là thành phố festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Ảnh: baothuathienhue.vn |
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội gửi lời chia sẻ sâu sắc nhất về những tổn thất do mưa lũ gây ra đối với Thừa Thiên-Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, trong đó có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn; đánh gia cao nỗ lực của tỉnh trong việc quyết liệt, khẩn trương cùng với các lực lượng vũ trang cứu hộ, cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thành tựu nổi bật của Thừa Thiên-Huế trong 5 năm qua là kinh tế có mức tăng trưởng khá cao, bình quân là 6,5%/năm; các chỉ tiêu quan trọng đều đạt, có chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Một số chỉ tiêu chưa đạt thì tỉnh cần phải tiếp tục phấn đấu để đạt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới tỉnh cần quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh cần huy động, tập trung mọi nguồn lực, xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 với đặc trưng về văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Cùng với việc phấn đấu để Thừa Thiên-Huế thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tỉnh cần đổi mới hơn nữa tư duy phát triển, nhất là phát triển bền vững, khai thác tốt hơn những tiềm năng riêng có về văn hóa, con người xứ Huế. Tỉnh cần phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.
Công tác xây dựng Đảng của địa phương phải được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, có chất lượng, trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ; coi trọng công tác tập trung dân chủ, thường xuyên thực hiện phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong đảng. Công tác xây dựng Đảng cần hướng về cơ sở, dồn sức cho cơ sở, hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra giám sát, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, đảng viên; đồng thời gắn với việc xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Theo TTXVN