Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trước thềm xuân mới Quý Mão năm 2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những kết quả và nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Năm 2022, thị trường bất động sản (BĐS) gặp nhiều khó khăn do nguồn tín dụng hạn chế và ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán, trái phiếu nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, linh hoạt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Bộ trưởng có kỳ vọng gì về sự phục hồi, phát triển của thị trường này trong thời gian tới và đâu là những nút thắt cần tiếp tục tháo gỡ để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn và bền vững?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Số lượng dự án BĐS hoàn thành và cấp mới năm 2022 ở đa số các tỉnh thành trong cả nước chỉ bằng 40-45% so với năm 2021. Tổng lượng giao dịch BĐS năm 2022 tương đương năm 2021 nhưng chủ yếu là do lượng giao dịch trong quý I và II và biến động giảm dần về cuối năm, từ quý III bắt đầu giảm mạnh và hầu như rất ít giao dịch trong quý IV/2022.
Tỉ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức thấp. Tính thanh khoản của thị trường khó khăn. Tín dụng cho kinh doanh BĐS chiếm tỉ lệ cao trong tổng dư nợ tín dụng cả nước và tiềm ẩn rủi ro. Trái phiếu doanh nghiệp BĐS giảm dần theo các quý và hầu như không còn phát hành mới trong giai đoạn cuối năm. Trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn cuối năm 2022 và năm 2023 chiếm tỉ trọng lớn.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS còn phải tiếp tục gặp các khó khăn, tồn tại như: Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS vẫn còn bất cập cần sửa đổi để thống nhất, phù hợp.
Cơ cấu sản phẩm BĐS chưa phù hợp, phổ biến là BĐS ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, BĐS du lịch có biểu hiện dư thừa. Trong khi đó, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường BĐS tại các địa phương còn có tồn tại, bất cập nhưng chưa được kiểm tra, xử lý triệt để. Thông tin, công khai minh bạch về quy hoạch và các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, kịp thời.
Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS. Doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng và huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có năng lực, tin cậy, có tín nhiệm, có dự án. Chưa có các nguồn vốn dài hạn, ổn định cho thị trường BĐS.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS trong năm 2023, có thể dự báo thị trường sẽ tiếp tục khó khăn, nhưng nếu thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo các đề xuất của Tổ công tác, thị trường BĐS sẽ dần cải thiện, đi vào ổn định và hướng tới mục tiêu đảm bảo thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững đóng góp vào phát triển chung của đất nước.
Thưa Bộ trưởng, năm 2022, Bộ Xây dựng đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá nhằm phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật trong lĩnh vực này?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã khởi công xây dựng được 34.000 căn hộ NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (KCN).
Lũy kế đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân KCN với tổng diện tích hơn 7,8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2. Số lượng NƠXH hoàn thành đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu cụ thể để các địa phương trên cả nước hoàn thành đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã tiến hành tổng kết, đánh giá Luật Nhà ở 2014 và đưa vào chương trình về sửa đổi dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).
Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở tập trung vào các nội dung cơ bản của 8 nhóm chính sách lớn gồm các quy định về: Sở hữu nhà ở; chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; phát triển nhà ở (bao gồm các loại nhà ở thương mại, tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở của cá nhân, hộ gia đình); phát triển NƠXH; cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà chung cư; quản lý nhà nước về nhà ở.
Xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp chính trong Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Trong Đề án, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp về quỹ đất, nguồn vốn và hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp
Trên cơ sở xác định nhu cầu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương, Bộ Xây dựng đã đề xuất mục tiêu cụ thể cho từng địa phương đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1,4 triệu căn hộ.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 550.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 850.000 căn và xác định trách nhiệm các địa phương có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án NƠXH, nhà ở công nhân tạo nguồn cung cho thị trường.
Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là định hướng, căn cứ quan trọng để các Bộ ngành, địa phương có cơ sở tập trung triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu phát triển NƠXH đã đề ra.
Năm 2023 được xác định là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm, xin Bộ trưởng cho biết đâu là những trọng tâm ưu tiên của Bộ Xây dựng trong trong thời gian này?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Năm 2023 và các năm tới, ngành Xây dựng sẽ tiếp tục tập trung cho 3 đột phá trọng tâm đã xác định cho nhiệm kỳ 2021-2026 của ngành Xây dựng.
Đó là hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp, phân cấp mạnh cho địa phương để tháo gỡ các điểm nghẽn, gây cản trở sự phát triển của ngành, hoạt động của doanh nghiệp…
Tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch đảm bảo tư duy, tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị đồng bộ, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh khu vực đô thị, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai, từ phát triển không gian đô thị…
Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường BĐS, nhất là NƠXH, nhà cho người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững.
Bộ Xây dựng đặc biệt mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và người dân cùng tích cực, đồng hành thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách hiệu quả để phát triển nhà ở cho người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp và trung bình; thúc đẩy, khơi thông thị trường BĐS.
Xin Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng !
Toàn Thắng (thực hiện)