• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư

(Chinhphu.vn) - Các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật, Nghị định của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực đầu tư cần sớm được sửa đổi để đảm bảo tiến độ giải ngân của năm 2016.

20/07/2016 14:11
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52%, tuy cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2012-2014 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và chỉ tiêu kế hoạch 6,7% của cả năm 2016.

Một trong những nguyên nhân được Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ ngày 8/7/2016 chỉ ra là tiến độ triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm (mới giải ngân từ ngân sách nhà nước được hơn 30% kế hoạch năm), thủ tục đầu tư, xây dựng còn phức tạp; văn bản hướng dẫn Luật và Nghị định về đầu tư còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng các dự án  chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt và còn nhiều bất cập; hồ sơ thanh toán vốn đầu tư còn rườm rà.

Tổng vốn đầu tư Nhà nước năm 2016 được giao 250.000 tỷ đồng. Tới tháng 5/2016 giải ngân được hơn 83.000 tỷ đồng, chiếm 32% (trong khi cùng kỳ năm 2015 giải ngân được 45%). Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt 23% (cùng kỳ là 34%); vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài mới giải ngân được 1,85 tỷ USD (giảm 3,5% so với cùng kỳ).

Với nguồn vốn kế hoạch năm 2015 được phép kéo dài sang năm 2016 là khoảng 21.660 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách trung ương 5.966 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 15.694 tỷ đồng), giải ngân đến hết ngày 31/5 đạt 133 tỷ đồng (bằng 0,6%, trong đó; vốn ngân sách trung ương 30 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 103 tỷ đồng).
Nghị quyết số 60 cũng chỉ ra việc các Bộ khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT đã thành lập 3 đoàn công tác để làm việc với các địa phương trong tháng 7 này. Những kiến nghị từ thực tiễn triển khai sẽ được ghi nhận, tổng hợp gửi tới các bộ, ngành và báo cáo Chính phủ xử lý.

Được biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 8/2016, Chính phủ sẽ có buổi thảo luận để tháo gỡ khó khăn cho việc giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra trì trệ, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay.

Những khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công mới đây cũng được lãnh đạo nhiều địa phương, lãnh đạo Sở của nhiều tỉnh, thành phố nhắc tới tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của ngành Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Nha Trang.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, Hà Nội là một trong 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức 30%. Lãnh đạo Sở KH&ĐT TP. Hà Nội cho biết giải ngân vốn đầu tư công là một trong ba thách thức lớn nhất của Thủ đô trong năm 2016, trong đó có các công việc giải ngân hết vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã giao của năm 2016, vốn chuyển tiếp từ các dự án của năm 2015 sang và vốn có phát sinh hụt thu từ năm 2015.

“Đây là vấn đề nan giải, nặng nề và đó là thách thức mà chúng tôi nhận thức được”, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội nói và nhấn mạnh rằng, trên cơ sở số vốn nhà đầu tư cam kết thực hiện nhưng chính quyền phải sớm phối hợp với họ đưa vào giải ngân cùng với việc thực hiện các quy định về luật đất đai, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, tại Hà Nội, một nguyên nhân nữa là gặp khó ở luật pháp liên quan đến đầu tư công. “Trong luật bảo vệ môi trường có quy định là đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải được thực hiện ngay từ khâu chủ trương đầu tư. Nhưng trong khâu chủ trương đầu tư, chưa có chủ đầu tư cụ thể thì chưa có điều kiện về vốn và các điều kiện khác để làm ĐTM như luật bảo vệ môi trường nêu ra”, Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hà Nội băn khoăn.

Để gỡ vướng cho việc này, ông Quý cho biết đã báo cáo với Thường trực HĐND TP. Hà Nội việc không thực hiện ĐTM ở khâu chủ trương đầu tư mà chuyển sang làm ở khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công vì lúc này đã xác định được chủ đầu tư dự án. Ông Quý cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xây dựng một luật để sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư công để tạo thuận lợi thực hiện cho những năm sau.

Chung quan điểm về báo cáo ĐTM với người đồng nhiệm ở Hà Nội, ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết thêm vướng mắc còn ở chỗ hầu hết các công trình xây dựng cấp 1 là Bộ Xây dựng quản lý, phê duyệt đầu tư, nhưng trong công trình cấp 1 thì có nhiều dự án nhỏ mà các nhà đầu tư cũng phải ra Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng là một bất cập.

Ông Sơn lấy ví dụ: “Với việc cấp giấy phép cho đầu tư xây dựng nhà ở phân lô, Đà Nẵng có trường hợp nhà đầu tư xây dựng một cái chợ có vài tỷ đồng, được Thành phố phân cho vài lô đất xây nhà, bán để nhà đầu tư lấy tiền làm chợ nhưng họ phải ra Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng nên họ không mặn mà làm nữa”. Ông Sơn đề nghị các Bộ cần phân cấp thêm cho địa phương thực hiện các công việc để giảm chi phí, thời gian cho nhà đầu tư.

Vẫn theo ông Quý, "Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Xây dựng quy định cơ quan quản lý đầu tư xây dựng cấp tỉnh (Sở Xây dựng) là cơ quan trình UBND cấp tỉnh dự án đầu tư công nhưng tại Nghị định 77/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công thì nói cơ quan quản lý đầu tư là Sở KH&ĐT trình UBND cấp tỉnh dự án đầu tư công. Thế nên là chúng tôi vừa làm theo Nghị định 59 và Nghị định 77 với 2 thủ tục, 2 cơ quan quản lý là một vấn đề phức tạp". Ông Quý cho rằng nếu đã làm theo Nghị định 59 thì thôi không làm theo Nghị định 77 và ngược lại để đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đối với cơ chế giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ODA, ông Quý cho biết nếu căn cứ vào hiệp định ký kết với các nhà tài trợ, giai đoạn 2016- 2020 thì Hà Nội có thể giải ngân 70.000 tỷ đồng nhưng Trung ương giao vốn hàng năm cho Hà Nội rất thấp, ví dụ năm nay chỉ giao 7.000 tỷ đồng, nên giải ngân không nhất thiết phải theo kế hoạch mà nên theo tiến độ giải ngân dự án thì mới đẩy nhanh được tiến độ các công trình này.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh lại cho rằng cần phải quan tâm nhiều hơn tới việc giám sát chất lượng công trình đầu tư công, nhất là các dự án liên quan đến công nghệ khi mà các văn bản pháp luật không nhắc nhiều đến trách nhiệm của cơ quan giám sát mà chủ yếu giao trách nhiệm này cho nhà đầu tư. “Một nhà máy xử lý chất thải không được kiểm soát chất lượng công nghệ, mức độ phù hợp và giá cả đầu tư dễ gây ra những thất thoát và hiệu quả sử dụng không cao”, ông Vinh nói.
Thành Chung