Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nội dung trên được ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN tại DN) nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt việc triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xử lý một số dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương tại Thông báo số 43-TB/VPTW, diễn ra ngày 7/1.
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cho biết, mọi nỗ lực của doanh nghiệp đều nhằm mục tiêu cuối cùng và quan trọng là làm sao chấm dứt tình trạng thua lỗ, sản xuất kinh doanh có lãi, mang lại lợi tích thiết thực cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam chia sẻ, Tập đoàn có 4 đơn vị nằm trong 12 dự án yếu kém của ngành công thương. Trong đó, có một đơn vị là công ty cổ phần Phân bón DAP1 – Hải Phòng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao theo Quyết định 1468 (Quyết định phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương). Công ty đã hoạt động có lãi trong 4 năm liền, riêng năm 2021 lãi trên 190 tỷ đồng và đã trả gần hết lỗ luỹ kế, trở lại hoạt động sản xuất bình thường.
Đối với 3 đơn vị còn lại (Nhà máy Sản xuất Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình), Tập đoàn đã xây dựng và báo cáo Chính phủ phương án rất cụ thể, chi tiết trong đó có những đề xuất, thoả thuận với ngân hàng cùng đồng hành để tái cơ cấu tại đơn vị.
Theo ông Cường, tái cơ cấu doanh nghiệp không chỉ thuần tuý là thoái vốn mà tiến hành sắp xếp lại hệ thống quản trị, giảm bớt đầu mối và lượng lao động dôi dư.
Liên quan đến dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Phó Tổng Giám đốc Đỗ Chí Thanh cho biết, được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền, Tập đoàn đã chủ động sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để xử lý các dự án và mang lại kết quả bước đầu khả quan. 3 dự án ethanol là Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ và Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất đã đi vào vận hành. Riêng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (VNPOLY) đã vận hành được 27 dây chuyền và hợp tác tốt, hiệu quả với đối tác Đài Loan (Trung Quốc).
Dự án còn lại của Tập đoàn là Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất có vị trí, vị thế đầu tư kinh doanh rất tốt, tuy nhiên do vướng mắc về hợp đồng với nhà thầu kéo dài nhiều năm nên không tận dụng được hết nguồn lực đã đầu tư.
Theo ông Đỗ Chí Thanh, PVN đã chỉ đạo người đại diện của tập đoàn tại đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về mặt pháp lý, tài chính, đồng thời thuê tư vấn về mặt pháp lý, tích cực làm việc với đối tác, ngân hàng, nhà cung ứng để tiếp tục tìm lối ra cho đơn vị.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBQLVNN tại DN quán triệt nguyên tắc là giải quyết các dự án trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường và xử lý có hiệu quả. Nếu doanh nghiệp thấy không còn hiệu quả kinh tế, không có khả năng cứu vãn được thì phải có hướng để xử lý dứt điểm, khắc phục và giảm thiểu tối đa chi phí thiệt hại.
Là đối tượng trực tiếp kinh doanh, sản xuất và đầu tư, doanh nghiệp cần chủ động rà soát, phân tích các phương án, điều kiện thị trường hiện nay và trong thời gian tới để đưa ra lựa chọn theo quy định, không nên có tâm lý “ỷ lại”, trông chờ cơ chế đặc thù.
Lấy ví dụ về Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng Tập đoàn đã có phương án rất hợp lý đối với các dự án. Trong trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp chứng minh cơ chế đặc thù sẽ được áp dụng hiệu quả tốt, mang lại kết quả đột phát trên cơ sở số liệu và phân tích rõ ràng, cụ thể thì việc đề xuất chính sách, đặc biệt liên quan đến hỗ trợ tài chính, tín dụng mới thuyết phục.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho rằng, khó khăn lớn nhất rơi vào trường hợp 2 nhà máy thép, gồm nhà máy Thép Việt-Trung và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2-Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO II). “Điều quan trọng là phải xây dựng được kịch bản cho nhà máy thép Việt-Trung tiếp tục hợp tác và liên doanh với đối tác nước ngoài để bảo đảm lợi ích chung cho cả hai bên.
Còn với TISCO II, theo Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, do dự án chưa đi vào vận hành, giải quyết những khâu dở dang đang là một vướng mắc lớn. Uỷ ban và người đại diện tại Tổng công ty Thép Việt Nam, cũng như TISCO phải làm rõ kết quả đàm phán và xử lý hợp đồng dở dang. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể đưa ra kịch bản cũng như phương án xử lý sau này.
“Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang đốc thúc triển khai xử lý. Nếu có những việc vượt qua khỏi khả năng và tầm tư duy của các doanh nghiệp thì chúng tôi đồng ý cho thuê tư vấn tham gia hỗ trợ thêm. Trong thời gian ngắn tới, các kịch bản cũng như phương án cho việc tái cơ cấu, tiếp nối các phần đang đầu tư dang dở sẽ được làm rõ hơn, từ đó sẽ có giải pháp phù hợp”, ông Hồ Sỹ Hùng nói.
Lãnh đạo UBQLVNN tại DN giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Thép Việt Nam cùng đàm phán, làm rõ từng nội dung công việc, nếu không đàm phán được, thì phải có phương án giải quyết dứt điểm dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp chủ động đề xuất. Đồng thời, việc xem xét đầu tư tiếp hay dừng, hoặc tận dụng một số hạng mục đã có đều phải được phân tích kỹ để tìm ra biện pháp khắc phục tối ưu nhất.
“Cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn vốn hợp lý của doanh nghiệp để xử lý, đây là lợi thế, cũng điểm mới, tạo điều kiện cho chúng ta xử lý vướng mắc dựa trên phương án đã được phân tích kỹ lưỡng và chủ động, linh hoạt hơn trong quy định cho phép”, ông Hùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo UBQLVNN tại DN đề nghị doanh nghiệp chủ động, tích cực hơn nữa, tận dụng lợi thế trên để xây dựng, hoàn thiện và triển khai các kịch bản, phương án chi tiết, lấy đó làm cơ sở hỗ trợ các đơn vị, dự án phục hồi…
Minh Ngọc