Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tàu huấn luyện BADARO (3011HAM) của lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc. Ảnh Thanhnien.vn |
Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, ngày 3/5, tàu huấn luyện BADARO (3011HAM) của lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cùng 124 sĩ quan và 45 thủy thủ, do ông Kim Du Seok, Giám đốc Học viện Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc làm trưởng đoàn đã cập cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ ngày 3-6/5.
Mục đích chuyến thăm nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc.
Trong thời gian chuyến thăm, nhóm chỉ huy tàu sẽ đến chào xã giao lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm về ứng phó sự cố ô nhiễm và quản lý an toàn môi trường biển; thăm và giao hữu thể thao với cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2.
Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đều là thành viên tích cực của Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP); Hội nghị những nhà đứng đầu các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của các nước khu vực Châu Á (HACGAM).
Trong một số năm qua, hai bên đã có những hợp tác chặt chẽ trong việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của tàu thuộc lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc.
Đoàn Hải quân Pháp cùng cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Ảnh Thanhnien.vn |
Báo QĐND cho biết, tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre là một trong những tàu lớn nhất của Hải quân Pháp. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tàu mang theo 519 quân nhân, nhà công nghiệp.
Tàu có chức năng như là một bộ chỉ huy trên biển, tàu sân bay trực thăng, tàu bệnh viện và đổ bộ các lực lượng quân đội bằng đường hàng không hoặc từ hướng biển. Tàu cũng có chức năng là tàu chở quân và trang thiết bị khí tài.
Tàu Tonnerre có lượng giãn nước 21.500 tấn, chiều dài 199,75 m, rộng 32 m, chiều cao tối đa 48 m. Tuy có kích cỡ khổng lồ nhưng việc vận hành chiến hạm này chỉ cần khoảng 160 người.
Được biết, tàu có khả năng chở 16 trực thăng hạng nặng hoặc 35 trực thăng hạng nhẹ. Ngoài khả năng chở máy bay, Tonnerre có thể chở 4 tàu đổ bộ cao tốc, 70 xe tăng và xe thiết giáp và 450 binh sĩ.
Tàu Tonnerre có độ giãn nước 21.500 tấn, dài 200 mét. Ảnh QĐND |
Theo TTXVN, quan hệ Việt Nam-Pháp nói chung và quan hệ quốc phòng song phương nói riêng hiện đang phát triển tốt đẹp.
Từ năm 2001, hằng năm Chính phủ Việt Nam đều cho phép tàu Hải quân Pháp đến thăm xã giao.
Đây là lần thứ hai tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre thăm hữu nghị Việt Nam. Vào năm 2013, tàu này cùng tàu hộ tống George Leygues đã đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp.
Chuyến thăm lần này của tàu chỉ huy và đổ bộ Tonnerre là một trong những hoạt động cụ thể nhằm triển khai các nội dung thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao, Nhà nước và Bộ Quốc phòng hai nước thời gian qua.
Tàu có chức năng như một bộ chỉ huy trên biển. Ảnh Thanhnien.vn |
Chuyến thăm cũng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước nói chung và lực lượng hải quân hai nước nói riêng, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Được biết, trong chuyến thăm này, nhóm chỉ huy tàu Tonnerre sẽ đến chào xã giao lãnh đạo chính quyền tỉnh Khánh Hòa, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, Bộ Chỉ huy Vùng 4 Hải quân và Học viện Hải quân. Bên cạnh đó tàu Tonnerre và Vùng 4 Hải quân còn tổ chức thi đấu giao hữu các môn thể thao.
Dự kiến sau khi rời Cảng quốc tế Cam Ranh vào ngày 6/5 hai bên còn tiến hành luyện tập chung về tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, thực hành Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển.
* Được phép của Bộ Quốc phòng Việt Nam, ngày 2/5 tàu thủy văn Marshal Gelovani (Nguyên soái Gelovani) thuộc Hạm đội Thái Bình Dương - Hải quân Liên bang Nga gồm 63 người, do ông Dobrenko Vladimir Mikhailovich làm thuyền trưởng đã ghé trú đậu tại Cảng quốc tế Cam Ranh và thăm thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tàu Marshal Gelovani neo tại Cảng Quốc tế Cam Ranh, cạnh tàu Tonnerre của Pháp. Ảnh Tienphong.vn |
Cảng quốc tế Cam Ranh sau khi hoàn thành sẽ là một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu với tải trọng tàu tối đa đến 110.000 DWT. Cảng quốc tế Cam Ranh có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8. |
BT (tổng hợp)