Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Vũ Đăng Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã (Bộ Nội vụ) trao phần thưởng cho 5 đội viên có thành tích cao của lớp bồi dưỡng đội viên tại tỉnh Điện Biên - Ảnh: Chinhphu.vn |
“Thực tế cơ sở đã cho chúng em trưởng thành hơn”
Đó là tâm sự của Trương Thị Trang, đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã tỉnh Lai Châu. Trang cũng là sinh viên duy nhất trong lớp bồi dưỡng khu vực Tây Bắc được xếp loại xuất sắc sau thời gian học lý thuyết và đi thực tế tại xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Trương Thị Trang, đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã tỉnh Lai Châu - Ảnh: Chinhphu.vn |
Sinh năm 1989 ở vùng chiêm trũng Hà Nam, chưa từng một ngày sống ở miền núi, vùng sâu lại vừa chân ướt chân ráo ra trường nên việc tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã không khỏi khiến Trang lúng túng, lo lắng. Thế nhưng, với 5 tuần đi thực tế tại xã đã khiến Trang củng cố thêm sự quyết tâm theo đến cùng vị trí mà em đã chọn.
“Khi về xã, có lần vào các bản vùng sâu phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng. Những lúc ấy em cũng suy nghĩ nhiều lắm về khả năng thích nghi, sức khỏe, câu hỏi thường trực là liệu mình có đảm nhiệm được công việc sắp tới tại xã không. Nhưng chứng kiến cuộc sống còn rất nhiều khó khăn của bà con, em nghĩ mình phải vững lòng tin và thêm quyết tâm đồng hành cùng bà con”, Trang chia sẻ.
Xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên mà Trang sẽ tới nhận nhiệm vụ có 3 đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Mông. Được sự giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình của Chủ tịch xã và đội ngũ cán bộ xã Trung Đồng đã giúp Trang hiểu được phần nào phong tục, tập quán của đồng bào để tích lũy dần, áp dụng trong giao tiếp và xử lý công việc.
Trang hy vọng, với kiến thức chuyên ngành về bồi dưỡng, đào tạo sẽ giúp Trang hoàn thành tốt nhiệm vụ tại xã trong những năm tới.
Bắt đầu từ việc nhỏ
Là người trực tiếp đánh giá việc thực tế tại cơ sở của các đội viên tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lai Châu cho biết, ông rất chia sẻ với những khó khăn mà các đội viên phải đối mặt, vượt qua trong thời gian thực tế tại xã. Bởi có xã có nhà công vụ, có xã chưa nên nhiều em phải ở nhờ từ nhà này sang nhà khác trong thời gian 1 tháng thực tế ở xã. Các em đã khắc phục khó khăn rất tốt để nắm tình hình cơ sở, tìm hiểu đời sống người dân, tích lũy thêm vốn sống, kinh nghiệm để áp dụng xử lý các vấn đề tại xã sau này.
Ông Thành cũng chia sẻ: "Mục tiêu Dự án là rất lớn nhưng trước hết, chúng tôi mong muốn các đội viên của Dự án về sẽ làm thay đổi một bước về nhận thức của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo xã, từ công tác văn thư, lưu trữ, họp giao ban cho tới thực hiện công tác tại cơ sở... Chúng tôi dự kiến, ngày 28/6, tỉnh Lai Châu sẽ tổ chức đưa các đội viên về giao cho từng cơ sở".
Cùng quan điểm với ông Thành, ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên cho rằng, các đội viên hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất khi thực hiện nhiệm vụ tại xã, bởi thời gian thực tế của lớp học chỉ là 1 tháng trong khi tham gia Dự án, các đội viên sẽ nhiều năm lăn lộn, cọ sát với cơ sở, "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói-PV) với bà con.
Triển khai từ năm 2011, đến nay Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã đã mở được 9 lớp bồi dưỡng cho 551 đội viên trong cả nước. Đây sẽ là những hạt nhân ở cơ sở, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền các xã nghèo lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Hà Anh