Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Theo thống kê, số phương tiện vi phạm đã giảm đi gần một nửa, ý thức chấp hành của một số chủ xe, chủ hàng và lái xe đã có những chuyển biến tích cực.
Theo Sở Giao thông vận tải Yên Bái, sở dĩ có sự thay đổi rõ rệt như vậy là do bên cạnh việc tiến hành kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc, các lực lượng chức năng đã tiến hành tuyên truyền cho lái xe và chủ hàng hiểu về mối nguy hiểm do vận chuyển hàng quá khổ, quá tải. Từ đó làm giảm dần xe quá tải lưu thông trên Quốc lộ 70.
Tại tỉnh Lào Cai, từ ngày 11-17/6/2013, Sở Giao thông vận tải Lào Cai đã chỉ đạo tổ công tác kiểm tra liên ngành tiến hành cân kiểm tra tải trọng xe tại Km 6 Tỉnh lộ 156 và Km 194 Quốc lộ 70. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên công tác triển khai chưa thường xuyên, liên tục. Tình trạng chở quá khổ, quá tải đã giảm nhưng lượng xe vi phạm vẫn còn cao và hoạt động ngày càng tinh vi hơn.
Sơn La là một trong những điểm nóng về tình hình tai nạn giao thông ở khu vực Tây Bắc, từ ngày 10-16/6/2013, Sở Giao thông vận tải tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng để tiến hành kiểm tra tải trọng xe trên tuyến Quốc lộ 6 tại Ngã ba Cò Nòi, địa phận huyện Mai Sơn.
Để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra xe quá khổ, quá tải, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Sơn La sẽ chỉ đạo lực lượng liên ngành tiếp tục kiểm tra tải trọng xe 24/24h trên Quốc lộ 6 tại khu vực huyện Mộc Châu. UBND tỉnh Sơn La cũng đã yêu cầu các cơ quan đơn vị tăng cường và quyết liệt triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, các tỉnh thành khác như: Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... cũng đang triển khai lực lượng thực hiện kiểm soát xử lý xe quá tải trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh mình.
Ngăn chặn“tái phát” xe quá khổ, quá tải
Có một điểm chung dễ nhận thấy ở các tỉnh nói trên là số lượng xe lưu thông lớn, trong khi lực lượng lại mỏng khiến việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn.
Theo ghi nhận tại các tỉnh, sau những ngày đầu xử phạt số lượng xe vi phạm đã giảm, tuy nhiên không loại trừ khả năng các xe đối phó trong thời gian cao điểm kiểm tra của lực lượng chức năng. Và rất có thể sau đợt kiểm tra tình trạng xe quá khổ, quá tải sẽ lại “tái phát”.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, một trong những biện pháp quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ, đồng loạt ra quân giữa các địa phương nhằm lập lại mặt bằng giá cước vận tải, tạo sự công bằng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch liên ngành kiểm soát xử lý xe quá tải trọng quy định.
Lực lượng Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ vào cuộc cùng thực hiện với các địa phương nhằm đưa hiệu quả của đợt ra quân tới mức tối đa.
Mục tiêu đặt ra là kéo giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông do xe quá khổ, quá tải gây ra, hạn chế sự xuống cấp của cầu đường.
Mục tiêu lâu dài và bền vững là tạo được sự đồng thuận của xã hội, tuyên truyền, tạo ý thức tự giác chấp hành của doanh nghiệp vận tải, chủ xe, chủ hàng và lái xe vận chuyển hàng hóa bằng ô tô đúng tải trọng cho phép của xe và tải trọng cho phép của cầu đường đến tiến tới chấm dứt tình trạng xe vi phạm tải trọng cho phép.
Bảo Lâm