Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp nối thành công của mùa 1, 'Tay hòm chìa khóa' mùa 2 tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương, định hướng, mục tiêu truyền thông của NHNN, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, các Đề án của Chính phủ (Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng) và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sau hơn 1 năm kể từ ngày phát sóng, 'Tay hòm chìa khóa' được đánh giá là một trong những chương trình truyền hình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, được đánh giá cao về nội dung cũng như cách thức truyền tải thông tin, kiến thức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Chương trình đã cung cấp những thông tin tích cực về chủ trương, chính sách của ngành ngân hàng, hướng dẫn các thủ tục, quy trình bảo đảm an toàn, đưa ra những lưu ý, cảnh báo, giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch tài chính, ngân hàng cho người dân…
Sau khi phát sóng nội dung về thông tin tín dụng trong chương trình Tay hòm chìa khóa, theo thống kê của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), số lượng đăng ký tài khoản cá nhân mới trong tháng 8/2021 tăng 30% so với tháng trước; số lượng đăng ký nhu cầu vay trên Cổng thông tin CIC trung bình 1 ngày tăng gần 28%...
'Tay hòm chìa khóa' mùa 2 sẽ phát sóng số đầu tiên vào 20h55 ngày 12/8/2022 trên kênh VTV1. Tiếp nối mùa 1, chương trình mùa 2 sẽ bám sát hơn nữa nhu cầu thông tin của người dân, những vấn đề người dân quan tâm như: Nghị định 31 và Thông tư 03, các chính sách hỗ trợ người dân sau COVID-19, các hình thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ số, ngân hàng số, quy trình và lưu ý khi gửi tiết kiệm... từ đó, giảm thiểu tình trạng tín dụng đen, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh an toàn bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính.
Về hình thức, chương trình sử dụng đồ họa trực quan thông tin và hình ảnh hóa các quy trình thông qua các câu chuyện giản dị về con người và cuộc sống. Mỗi số của chương trình sẽ chứa đựng nhiều bài học cuộc sống có ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc...
Về định hướng thời gian tới, để tiếp tục thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt của người dân, nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế tín dụng đen..., NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với VTV, các cơ quan báo chí thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính – ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó góp phần thay đổi hành vi, thói quen và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…
Các chương trình sẽ tăng cường truyền thông hướng tới nhóm công chúng mục tiêu là giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định: VTV luôn coi tuyên truyền chính sách tiền tệ là nội dung quan trọng, cố gắng để chương trình đạt hiệu quả cao nhất, tương xứng vai trò của ngành ngân hàng- huyết mạch của nền kinh tế. Đơn vị sản xuất nỗ lực truyền thông sáng tạo, dễ hiểu, giàu cảm xúc để tạo sức hút với khán giả.
Đại diện ngành ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh gợi ý, trong bối cảnh mới nên triển khai các công nghệ mới cũng như cách thức xây dựng chương trình hấp dẫn hơn như: Công nghệ hoạt hình có thể làm 3D, sinh động, hình ảnh hấp dẫn hơn, lời thoại gần gũi, hướng tới lớp trẻ nhiều hơn, các tuyến nhân vật phong phú hơn.
"Tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện lần thứ nhất vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao nỗ lực và những kết quả tích cực mà các bộ, ngành, địa phương đạt được trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Công tác truyền thông được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, chất lượng tốt để nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính toàn diện. Do đó, chương trình Tay hòm chìa khóa cần hướng nhiều hơn tới các đối tượng người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, hay các đối tượng DN siêu nhỏ, người công nhân ở các khu công nghiệp... Cần chú trọng nhiều hơn mục tiêu tài chính toàn diện Thủ tướng lưu ý vừa qua", Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Huy Thắng