Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nóng bỏng từng ngày
Thời điểm giáp Tết, tại các huyện, thị biên giới Tây Nam bộ, như: Tân Hồng, Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp); huyện Tịnh Biên, An Phú, thị xã Tân Châu, TP Châu Đốc (An Giang), tình hình buôn lậu diễn biến rất phức tạp… Mặt hàng nhập lậu nổi cộm vào dịp những tháng cuối năm này là đường cát, thuốc lá, rượu, bia...
Xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có chung biên giới đường sông Sở Thượng với nước bạn Campuchia và cách trung tâm huyện Hồng Ngự trên 7km. Đây là địa điểm lý tưởng để vận chuyển hàng lậu vào nội địa, rồi tỏa theo tuyến quốc lộ đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL.
Từ ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, nhìn qua bờ bên kia sông Sở Thượng là hàng loạt kho chứa hàng kiên cố dọc tuyến biên giới. Cạnh những kho hàng là những chiếc xuồng cao tốc đang chờ trực. Chỉ cần một chút sơ hở của lực lượng chống buôn lậu là hàng lậu được tuồn qua biên giới rất nhanh. Khi đến điểm tập kết, hàng lậu nhanh chóng được chất lên những môtô “ma tốc độ”, chuyển vào nội địa hoặc tẩu tán đi nơi khác.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, tổng số vụ buôn lậu từ đầu năm 2014 đến nay được phát hiện, bắt giữ là 1.696 vụ, tăng tới 73% so với tổng số vụ buôn lậu của năm 2013.
Còn theo cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, 10 tháng đầu năm 2014, các lực lượng chống buôn lậu tỉnh đã bắt giữ 1.722 vụ, trị giá hàng nhập lậu, hàng cấm (thuốc lá) trên 36,562 tỷ đồng. Ngoài tịch thu hàng hóa, các ngành chức năng còn xử phạt hành chính trên 11,5 tỷ đồng…
Trên tuyến biên giới An Giang, hàng hóa nhập lậu chủ yếu qua phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc, nơi tiếp giáp với huyện Borey Chosa, tỉnh Tà Keo (Campuchia). Khu vực gần nhất chỉ cách biên giới khoảng 1,5km là nơi tập kết hàng hóa phía nước bạn - Gò Tà Mâu.
Đối tượng buôn lậu sử dụng môtô, ghe, xuồng cao tốc trong trạng thái sẵn sàng, khi có điều kiện thuận lợi thì nhanh chóng vận chuyển qua các đường mòn, kênh rạch qua biên giới về các điểm tập kết tại khu vực ấp Vĩnh Chánh 1, 2, 3, phường Vĩnh Ngươn; khóm Vĩnh Chánh, khóm Vĩnh Phú, khóm 7, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, sau đó đưa hàng lậu vào nội địa tiêu thụ.
Tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), hàng nhập lậu qua địa bàn khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên tiếp giáp với huyện Krivong, tỉnh Tà Keo (Campuchia). Trong nội địa tỉnh An Giang nổi lên tình trạng các “hung thần” sử dụng xe môtô chạy “xe gió” vận chuyển thuốc lá lậu trên tuyến QL91… đối tượng buôn lậu rất liều lĩnh, manh động khi bị lực lượng chức năng bắt giữ hàng hóa...
Địa bàn huyện An Phú (An Giang) “nóng” với tình hình buôn lậu đường cát Thái Lan. Theo Trung tá Nguyễn Nhật Trường, Công an An Giang, các đối tượng bốc vác đường cát thuê đa số là người nghèo, số lượng đông, được bố trí rất cơ động để bốc vác trên ghe đậu phía Campuchia. Đầu nậu cử người “canh me” lực lượng chức năng liên tục. Khi có điều kiện là chở đường qua bờ Việt Nam nhập kho, đưa lên xe tải rất nhanh. Nếu bị phát hiện, bọn chúng liền cho ghe chạy ngược về phía bờ Campuchia...
Cần những giải pháp đồng bộ
Theo ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang: "Các thủ đoạn, tính chất và quy mô buôn lậu thời gian qua rất phức tạp, nhất là mặt hàng đường cát và thuốc lá ngoại. Chúng tôi đã đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam không bán hàng cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở khu vực biên giới An Giang, nhưng phía Hiệp hội trả lời không được, vẫn phải bán. Bên cạnh đó, việc cấp phép cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở khu vực biên giới pha trộn đường cát khiến công tác chống buôn lậu vô cùng vất vả".
Một trong những giải pháp căn cơ muốn chấm dứt hẳn nạn buôn lậu cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng, như tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.
Thượng tá Trần Thanh Phương, Trưởng Công an huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, Công an huyện phối hợp với lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Công an các xã mở nhiều đợt truy quét, tăng cường công tác tuần tra xử lý hàng chục lượt đối tượng sử dụng xe môtô vận chuyển hàng lậu.
Tại các “điểm nóng” lực lượng chống buôn lậu luôn thường trực 24/24h để ngăn chặn hàng lậu vào nội địa. Tuy nhiên, hiện nay điều khó khăn là tại ấp 1, phần đông người dân không có việc làm ổn định, bị các đầu nậu lợi dụng để vận chuyển hàng lậu hoặc “ăngten” cho bọn chúng để “canh me” lực lượng chức năng.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Công an huyện Tịnh Biên (An Giang) hiến kế: Để hạn chế thấp nhất tình trạng buôn lậu, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân ở khu vực biên giới. Giúp họ thấy được hậu quả của việc buôn lậu, tiếp tay cho buôn lậu cũng như không tố giác tội phạm là vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp trong việc tuần tra, kiểm soát để chủ động ngăn chặn từ xa các hành vi buôn lậu.
Về lâu dài, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp, nhất là người dân ở khu vực biên giới để họ có cuộc sống ổn định, không để các đầu nậu lợi dụng, lôi kéo vào hoạt động buôn lậu và tiếp tay cho buôn lậu.