Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh nhận định này tại diễn đàn "Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 21/3.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, như đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh, nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và già hóa dân số.
Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Trên thế giới, các chuyên gia đang đánh giá chuyển đổi số được ví như chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững. Gần đây, khái niệm "chuyển đổi kép", tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh, đã được Liên minh châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai.
Thứ trưởng cũng cho biết, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã ký kết, như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA... Đây là sức ép và cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để được thị trường chấp nhận.
"Yêu cầu về chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng xanh là một thách thức rất lớn cho Việt Nam và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đã nhấn mạnh 3 nội dung xây dựng gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo Bộ TT&TT - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp hơn 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến.
Tại diễn đàn, ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen cho biết, chuyển đổi số trong sản xuất đã giúp họ trong việc số hóa dữ liệu và mang lại nhiều lợi ích. Nhờ chuyển đổi số, Nestlé đã và đang tận dụng được các tiềm năng về hiệu suất cũng như các cơ hội phát triển bền vững, trong đó, Nestlé đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn/năm.
Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp này kết nối nhân viên tại tất cả các cấp bậc trong công ty một cách hiệu quả và chủ động hơn.
"Chuyển đổi số giúp mang lại những kết quả hữu hình đối với hoạt động của chúng tôi, như giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa các cảm biến thông minh và các dữ liệu đã được số hóa; giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng số hóa trong hoạt động; giảm 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo và nhờ vào các kỹ thuật viên và cán bộ điều hành tay nghề cao", ông Urs Kloeti chia sẻ.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về xu hướng chuyển đổi số; một số thành tựu trong chuyển đổi số trong 3 trụ cột của nền kinh tế phát triển bền vững là sản xuất, ngân hàng và thương mại điện tử; tầm quan trọng của 5G đối với tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo; những cơ chế chính sách thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, cũng như những bài học kinh nghiệm thực tế từ những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số với mục tiêu tạo đòn bẩy cho chuyển đổi số tăng trưởng thông minh hơn và xanh hơn.
Hiền Minh