Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, mức chi phí quản lý BHXH, BHTN (được trích theo quy định tại Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2022-2024 và Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg về chi phí quản lý BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024) đã được bố trí hợp lý, sử dụng hiệu quả. Qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN; chi trả các chế độ BHXH, BHTN đầy đủ, kịp thời; góp phần giúp ngành BHXH Việt Nam hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
Bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số hạn chế về cơ cấu chi phí quản lý theo các nhóm nhiệm vụ chi, chi ứng dụng công nghệ thông tin, chi tổ chức và hoạt động BHTN, chi đầu tư xây dựng cơ bản…
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 2022-2024, Bộ Tài chính đề xuất mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN giai đoạn 2025-2027. Trong đó, các nội dung chi đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật BHXH năm 2024, Luật Việc làm và gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí, trong bối cảnh hiện nay, nên kéo dài thời hạn Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 thay vì xây dựng Nghị quyết mới. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc thời hạn kéo dài cho phù hợp; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát nội dung để tránh chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhất trí với đề xuất của Hội đồng thẩm định; cùng với đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Hội đồng. Đồng thời, lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền.
LS