Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Về việc tham gia BHXH tự nguyện: Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện thì BHXH tự nguyện thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất từ quỹ BHXH do Nhà nước quản lý.
Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng BHXH nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.
Mức hưởng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH tự nguyện.
Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và đóng BHXH tự nguyện.
Về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp: Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật BHXH thì người thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.
Điều 81 Luật BHXH quy định người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp;
- Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH.
Trường hợp vợ ông Hách sau khi làm thủ tục nghỉ việc, Công ty nơi vợ ông làm việc có trách nhiệm làm việc với BHXH để chốt sổ BHXH, công nhận thời gian vợ ông Hách đã đóng BHXH bắt buộc và trả sổ BHXH cho vợ ông.
Sau đó vợ ông Hách có thể lựa chọn một trong hai hình thức: Chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện ngay sau khi nghỉ việc; hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc, để khi trở lại làm việc theo chế độ hợp đồng, chế độ tuyển dụng vợ ông tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc.
Nếu vợ ông Hách tham gia BHXH tự nguyện đan xen với thời gian ngừng tham gia BHXH bắt buộc thì thời gian tính để hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất là tổng thời gian tham gia của cả 2 loại BHXH bắt buộc và tự nguyện.
Để tham gia BHXH tự nguyện vợ ông Hách cần liên hệ trực tiếp với BHXH quận, huyện nơi cư trú để được hướng dẫn làm tờ khai đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Về trợ cấp thất nghiệp, theo quy định tại khoản 4, Điều 3 và Điều 81 Luật BHXH, thì người thất nghiệp là người bị mất việc làm, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan BHXH, mong muốn có việc làm, nhưng chưa tìm được việc làm.
Trường hợp vợ ông Hách có việc làm, nhưng chủ động chấm dứt hợp đồng để nội trợ và chăm sóc con cái tại gia đình, hiện nay chưa có ý định tìm việc làm mới. Do vậy vợ ông Hách không phải là người thất nghiệp, không thuộc đối tượng, không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
>> Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
>> Được đóng BHXH tự nguyện cho đủ năm để hưởng lương hưu
>> Tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí
>> Tham gia BHXH tự nguyện khi ngừng tham gia BHXH bắt buộc