Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Quang như sau:
Theo quy định tại các Điều 27, Điều 28, Điều 29 của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ quy định về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, thì các hình thức xử lý văn bản trái pháp luật gồm:
- Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản: Hình thức đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản áp dụng trong trường hợp nội dung trái pháp luật đó nếu chưa được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ kịp thời và nếu tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản: Hình thức hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản áp dụng trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ văn bản đó được ban hành trái thẩm quyền về hình thức, thẩm quyền về nội dung hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật từ thời điểm văn bản được ban hành.
Hình thức bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản áp dụng trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ văn bản làm căn cứ ban hành văn bản được kiểm tra đã được thay thế bằng văn bản khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến nội dung của văn bản không còn phù hợp với pháp luật hiện hành hoặc tình hình kinh tế - xã hội thay đổi.
Trách nhiệm tự kiểm tra văn bản
Tại điểm d, khoản 1 và khoản 3 Điều 11 của Nghị định này, thì UBND các cấp phải tự kiểm tra văn bản do mình ban hành hoặc liên tịch ban hành ngay sau khi văn bản được ban hành, khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản hoặc yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương tiện thông tin đại chúng.
Trưởng Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã là đầu mối giúp Hội đồng nhân dân, UBND cùng cấp thực hiện việc tự kiểm tra văn bản.
Các cơ quan, đơn vị có liên quan phải kịp thời cung cấp thông tin, tư liệu, tài liệu cần thiết và phối hợp với Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong việc tự kiểm tra văn bản.
Thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật
Căn cứ quy định tại Điều 22; khoản 2 Điều 26 và Điều 18 của Nghị định 40/2010/NĐ-CP:
Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp thông báo để cơ quan đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi tự kiểm tra phát hiện hoặc nhận được thông báo của người, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải đình chỉ và hủy bỏ nội dung trái pháp luật của văn bản. Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản không xử lý thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý hủy bỏ nội dung trái pháp luật của văn bản đó.
Trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không xử lý theo thời hạn quy định hoặc Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp không nhất trí với kết quả xử lý thì Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cùng cấp xử lý theo thẩm quyền quy định tại Điều 18 của Nghị định này như sau:
- Đình chỉ việc thi hành và hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND cấp dưới trực tiếp.
- Đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình hủy bỏ hoặc bãi bỏ.
Tại điểm b, khoản 1 Điều 16 của Nghị định 40/2010/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp giúp Thủ tướng Chính phủ xử lý văn bản trái pháp luật do UBND tỉnh ban hành như sau: Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung đối với quyết định, chỉ thị do UBND cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Vấn đề ông Trần Quang hỏi, theo các quy định nêu trên thì UBND, người đã ban hành văn bản có trách nhiệm đình chỉ và hủy bỏ nội dung trái pháp luật của văn bản do mình ban hành, khi tự kiểm tra phát hiện hoặc nhận được thông báo của người, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra là văn bản đó trái pháp luật.
Nếu UBND, người đã ban hành văn bản trái pháp luật không tự xử lý thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ đình chỉ việc thi hành và hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND cấp dưới trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp giúp Thủ tướng Chính phủ xử lý và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung đối với quyết định, chỉ thị do UBND cấp tỉnh ban hành trái pháp luật.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Công khai xử lý văn bản trái pháp luật