Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày, dự thảo Nghị quyết quy định rõ các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 theo đúng mục tiêu đề ra tại Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và quy định khuyến khích việc sắp xếp ĐVHC không thuộc diện bắt buộc sắp xếp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, dự thảo Nghị quyết cũng cụ thể hóa nội dung Kết luận số 48-KL/TW để quy định các trường hợp không bắt buộc thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030 do có các yếu tố đặc thù, trừ trường hợp địa phương có nhu cầu sắp xếp thì trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về phạm vi các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; các trường hợp không bắt buộc sắp xếp ĐVHC do có yếu tố đặc thù và các nguyên tắc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, vì đã quán triệt đầy đủ tinh thần tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị; và có sự kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Bên cạnh đó, từ ý kiến của cử tri, ý kiến của một số địa phương, cũng có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, mục tiêu của việc sắp xếp ĐVHC không chỉ nhằm làm giảm số lượng ĐVHC, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước mà còn bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, những ĐVHC có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định cũng cần được xem xét sắp xếp lại, bởi cho dù có tăng thêm biên chế, thì trong điều kiện hiện nay cũng vẫn rất khó tổ chức công tác quản lý Nhà nước có hiệu quả trên địa bàn.
Cơ bản đồng tình với Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, dự thảo Nghị quyết nên quy định: Xây dựng tầm nhìn tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, bởi việc này có liên quan trực tiếp đến công tác quy hoạch cán bộ. Có ý kiến đề nghị, cân nhắc sắp xếp ĐVHC cấp huyện ở các tỉnh miền núi, với diện tích lớn, chủ yếu là rừng, trong khi quy mô dân số nhỏ. Sáp nhập ĐVHC cấp huyện này thường gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, hành chính công.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 theo thủ tục rút gọn.
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với phạm vi, đối tượng thuộc diện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tuy nhiên, cần lưu ý một số ĐVHC cấp huyện, cấp xã có diện tích nhỏ, nhưng quy mô dân số rất lớn, hay với ĐVHC cấp huyện, cấp xã có diện tích quá lớn, quy mô dân số nhỏ để cân nhắc sắp xếp cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu quy định rõ về định mức phân bổ ngân sách đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp; về mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương được bổ sung cân đối ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các địa phương trong sắp xếp đơn vị hành chính. Thực tiễn trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn ngân sách thực hiện. Do đó, nếu có được quy định của pháp luật, quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tạo thuận lợi, khuyến khích và tạo động lực cho các địa phương thực hiện sắp xếp, nhất là ở những nơi còn nhiều khó khăn về ngân sách, chưa bảo đảm tự cân đối.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp để có báo cáo giải trình làm rõ bằng văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
LS