Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: Chinhphu.vn
Đây là phương án đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 8/6/2010 và Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010 của Chính phủ.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 657/BXD-VP ngày 5/5/2011 gửi Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi Khoản 3, Khoản 5, Điều 93 của Luật Nhà ở theo hướng bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với 7 loại hợp đồng về nhà ở, bao gồm: mua bán, đổi, tặng cho, thế chấp, thuê mua, thuê nhà ở của các tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản.
Buổi tham vấn ngày 7/6 có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Cục trưởng Cục quản lý Nhà (Bộ Xây dựng), Cục trưởng Cục Thống kê đất đai, Vụ pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Đăng ký đất nhà thành phố Hà Nội và TP. HCM, Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng, luật sư, chuyên gia.
Theo các chuyên gia, Bộ Luật dân sự đã quy định người dân có quyền tự định đoạt trong các giao dịch dân sự với nhiều hình thức như giao dịch bằng miệng giữa hai bên, bằng văn bản hoặc hợp đồng có sự làm chứng của bên thứ ba. Tuy nhiên, các quy định hiện hành lại quy định bắt buộc các giao dịch về nhà đất phải thực hiện công chứng.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, nên bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng đối với các hợp đồng dân sự liên quan về nhà ở và quyền sử dụng đất. Theo đó, người dân có quyền tự quyết định có công chứng hay không.
Nếu thực hiện được điều này sẽ giảm đi rất nhiều công sức, chi phí của người dân đối với hoạt động công chứng. Theo tính toán sơ bộ của Tổ Công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nếu bãi bỏ quy định bắt buộc phải công chứng sẽ giảm được 2.700 tỷ đồng/năm.
Cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hùng Phi, Phó Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Ngô Quang Lương tán thành bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng.
“Nếu người dân thấy cần thiết phải công chứng để phòng ngừa rủi ro trong giao dịch nhà đất thì người dân đi công chứng, còn nếu không thì thôi. Phải xác định đây là quyền tự định đoạt của người dân đối với tài sản của mình”, ông Lương nêu quan điểm.
Nhìn rộng ra, Giám đốc Văn phòng Đăng ký nhà đất TP. Hà Nội Ngô Trọng Khang cho rằng, phải biến tổ chức công chứng thành nơi tư vấn pháp lý chất lượng cao, không để công chứng thành cơ quan công quyền mỗi khi người dân đến xử lý công việc liên quan.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà băn khoăn, nếu không quy định phải công chứng bắt buộc thì công việc có “dồn” lên vai các Văn phòng đăng ký đất nhà hay không? Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể, thận trọng một khi vấn đề này được thực thi.
Cũng có ý kiến cho rằng, quy định bắt buộc công chứng đối với các giao dịch về nhà đất là cần thiết, bởi đây là “bức tường” để phòng ngừa rủi ro cho người dân trong tình hình quản lý nhà đất còn bừa bộn như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng, vấn đề này cần tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, ban ngành có liên quan để có cái nhìn thấu đáo hơn, chặt chẽ hơn.
"Tạm khép lại” những vấn đề còn nóng hổi từ cuộc tham vấn này, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Nguyễn Văn Lâm cho rằng, cần hiểu rõ nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính này không phải là bãi bỏ hoạt động công chứng mà là chuyển từ việc bắt buộc người dân phải công chứng sang việc họ tự quyết định có công chứng hay không đối với các hợp đồng giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc chuyển hoạt động công chứng từ áp đặt mang tính công quyền sang hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân, trao quyền tự quyết cho người dân, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho dân. Sự tồn tại và phát triển của hoạt động công chứng do chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp cho người dân.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tham vấn, hội thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành, chuyên gia… về vấn đề này để có cái nhìn đa chiều hơn nhằm tìm ra phương án có lợi nhất cho người dân.
Theo Website Chính Phủ