• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

‘Thần tốc’ hơn nữa xóa nhà tạm, nhà dột nát - Bài 1: Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc

(Chinhphu.vn) - Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đang đạt được tiến độ có thể nói là “thần tốc”. Nhưng để đạt mục tiêu ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát thì cần quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

19/04/2025 15:49

"Gia cố" cho kết quả giảm nghèo bền vững

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự thần tốc trong thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã đạt được những kết quả rất tích cực; số lượng nhà xây mới, sửa chữa được bàn giao hoặc đã khởi công tăng theo từng ngày.

Theo thông tin từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến ngày 11/4/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 195.068 căn; trong đó khánh thành 93.370 căn và khởi công mới 101.698 căn. 

Còn tính tại thời điểm ngày 10/3/2025, cả nước hỗ trợ xóa được 121.638 nhà tạm, nhà dột nát; trong đó hơn 65.000 căn đã khánh thành, hơn 56.000 căn được khởi công mới. Như vậy, trong vòng 1 tháng (10/3–11/4), cả nước hỗ trợ được 73.430 căn; trong đó gần 28.400 căn đã khánh thành, bàn giao cho hộ nghèo, số còn lại đang được khẩn trương hoàn thiện.

‘Thần tốc’ hơn nữa xóa nhà tạm, nhà dột nát - Bài 1: Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung thực hiện nghi thức bàn giao nhà mới cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Có lẽ, một động lực quan trọng thôi thúc cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là để "gia cố" thêm cho thành quả giảm nghèo bền vững. Thực tế hiện nay, đang hiện hữu nhiều hộ khó thoát nghèo cũng như hộ có nguy cơ tái nghèo do thiếu hụt về chỉ số chất lượng nhà ở, chủ yếu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Dữ liệu từ kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (trước đây) phê duyệt tại Quyết định số 217/QĐ-BLĐTBXH ngày 4/2/2025 đã cho thấy rõ thực trạng này. Cụ thể, theo kết quả rà soát, hết năm 2024, cả nước còn 599.608 hộ nghèo thì có 168.134 hộ nghèo do thiếu hụt chỉ số về chất lượng nhà ở theo bộ tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Số hộ nghèo thiếu hụt chỉ số chất lượng nhà ở tập trung ở những địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong đó, vùng Trung du và miền núi phía bắc có 76.224 hộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 44.668 hộ; Tây Nguyên có 22.542 hộ; Đồng bằng sông Cửu Long có 14.592 hộ.

Số hộ nghèo do thiếu hụt chỉ số chất lượng nhà ở có nguy cơ tiếp tục tăng do số hộ cận nghèo cũng đang thiếu hụt chỉ số này. Dữ liệu trong Quyết định số 217/QĐ-BLĐTBXH cho thấy, hết năm 2024, cả nước còn 70.456 hộ cận nghèo thiếu hụt chỉ số chất lượng nhà ở. Trong đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 18.100 hộ cận nghèo do thiếu hụt chỉ số chất lượng nhà ở; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 18.863; Tây Nguyên có 10.954 hộ; Đồng bằng sông Cửu Long có 15.594 hộ.

Dự Lễ khánh thành và bàn giao nhà ở cho hộ đồng bào DTTS khó khăn tại Trà Vinh ngày 8/4/2025, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đã chia sẻ rằng, không thể nói thoát nghèo khi không có nhà ở. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, "an cư mới lạc nghiệp"; có chỗ để yên ấm, sớm tối đi về ăn nghỉ thì gia đình mới đầm ấm, hạnh phúc.

‘Thần tốc’ hơn nữa xóa nhà tạm, nhà dột nát - Bài 1: Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc- Ảnh 2.

Các địa phương cần quyết liệt, linh hoạt trong việc tạo quỹ đất để thực hiện, từ đó đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Tập trung gỡ vướng về đất đai

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội, mục tiêu đến ngày 31/10/2025 sẽ hoàn toàn xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là khả thi. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vẫn còn vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời.

Theo quy định hiện hành, một điều kiện cơ bản để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là trước hết, hộ nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng phải có đất ở và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ (sổ đỏ). Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều hộ đồng bào DTTS chưa có đất ở; ngoài ra không ít hộ có đất nhưng chưa được cấp sổ đỏ.

Đơn cử tại Di Linh (Lâm Đồng), theo báo cáo của UBND huyện, năm 2025, trên địa bàn huyện có 184 hộ có nhu cầu hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Căn cứ theo các quy định hiện hành thì chỉ có 24/184 hộ đủ điều kiện hỗ trợ; còn lại 88 hộ có đất ở nhưng chưa có sổ đỏ, 65 hộ chỉ có sổ đất nông nghiệp và số hộ còn lại không có đủ cả hai điều kiện nêu trên.

Đây cũng là một trong những lý do chính dẫn đến việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng không thuận lợi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 (tổ chức ngày 30/12/2024), dự kiến hết năm 2025, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là khoảng 3.800 tỷ đồng, chỉ đạt 19% so với dự kiến đặt ra trong Chương trình MTQG 1719 (19.727 tỷ đồng).

Một trong những nguyên nhân được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định là do trong quá trình triển khai cho vay vốn tín dụng ưu đãi về nhà ở, một số địa phương không còn hoặc chưa bố trí được quỹ đất ở để giao cho hộ dân; hoặc đất chủ yếu là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa cấp sổ đỏ cho người dân.

Sau phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (tổ chức ngày 10/3/2025), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc này. Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản số 1066/BNNMT-QLĐĐ hướng dẫn các địa phương bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở.

Một điểm đáng chú ý trong hướng dẫn này là, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương rà soát, ưu tiên bố trí đất ở đối với hộ có khó khăn về đất ở theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 124 và Điều 157 của Luật Đất đai năm 2024.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị các địa phương rà soát diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường để công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất (trong đó có đất ở) mà có giấy tờ của nông, lâm trường trước ngày 1/7/2004; hoặc thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai để giao cho người dân không có đất ở theo quy định.

Hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ giúp các địa phương tháo được "nút thắt" trong việc bố trí đất ở và cấp sổ đỏ cho các hộ thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Điều cần thiết lúc này là căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương, các địa phương cần quyết liệt, linh hoạt trong việc tạo quỹ đất để thực hiện, từ đó đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Trong Hướng dẫn số 1066/BNNMT-QLĐĐ ngày 15/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị, trong quá trình thực hiện việc bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở, các địa phương cần chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện các thủ tục về đất đai (như tách thửa, đăng ký đất đai, cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) theo quy trình rút gọn và không thu phí. Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở hoặc các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, địa phương cần có chính sách khuyến khích người dân thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật để kịp thời xây dựng nhà ở.

(Còn tiếp... )

Sơn Hào