Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2012: vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm
Triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2012, Ban Chỉ đạo Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh có 186 đoàn thanh, kiểm tra. Trong đó, tuyến tỉnh có 4 đoàn, tuyến huyện có 11 đoàn và 171 đoàn tuyến xã, phường, thị trấn. Qua công tác kiểm tra cho thấy, các địa phương đã tích cực triển khai tháng hành động, tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm.
Hầu hết các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đều triển khai, tổ chức và thực hiện đúng tiến độ theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả các huyện đều có kế hoạch triển khai tổ chức tháng hành động và chỉ đạo công tác triển khai cho các phường, xã, thị trấn trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó cũng đã có quyết định thành lập, củng cố các đoàn kiểm tra liên ngành tại địa phương để thực hiện công tác triển khai trong tháng hành động năm 2012. Hầu hết các huyện, xã, phường, thị trấn đều có Quyết định thành lập Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương và ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo. Các đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, thị xã đều có các hoạt động thanh kiểm tra trong tháng hành động.
Tuy vậy, qua công tác kiểm tra cho thấy, vẫn còn rất nhiều cơ sở thực phẩm vi phạm. Theo kết quả thanh tra, kiểm tra tại cơ sở thực phẩm do đoàn liên ngành tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện thì trong số 12 cơ sở kiểm tra, có 10 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ trên 83%). Các nội dung vi phạm chủ yếu là, điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, điều kiện về con người, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm, quy định về quảng cáo thực phẩm.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, qua công tác kiểm tra, thực hiện tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập. Trong công tác quản lý, do có nhiều phân khúc, mỗi cơ quan, đơn vị quản lý một lĩnh vực khác nhau, một số đơn vị phải quản lý cùng lúc nhiều cơ sở khác nhau nên không thể thực hiện được kiểm tra một cách chặt chẽ. Ngoài ra, nhiều cơ sở thực phẩm vẫn còn vi phạm, nhiều cơ sở giết mổ bừa bãi, không đúng quy định. Trên địa bàn một số huyện, một số cơ sở nhỏ hoạt động thời vụ nên không có giấy phép kinh doanh hoặc không có tư cách pháp nhân, đa phần là hộ nghèo nên khi vi phạm đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở chứ không xử lý vi phạm cụ thể. Một số cơ sở hoạt động tự phát trong dịp Tết nên các cơ quan quản lý gặp nhiều trở ngại và đa số các cơ sở này đều không đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với rau, củ, quả dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa xử lý được vì kết quả kiểm nghiệm thường mất từ 7-10 ngày. Lúc đó, lượng rau quả đã được tiêu thụ hết. Đoàn chỉ định hướng truy tìm nguồn gốc đối với các cơ sở cung cấp hoặc lưu ý cho nông dân về các nguy hại của tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.
Các mặt hàng thuộc lĩnh vực thực phẩm rất đa dạng, phong phú, trong điều kiện lực lượng phụ trách công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm còn mỏng, thường là cán bộ kiêm nhiệm và kinh phí hỗ trợ cho công tác thanh, kiểm tra tại các xã, phường còn thấp.
Đối với các cơ sở thực phẩm được kiểm tra, các vi phạm phổ biến là chưa thực hiện đầy đủ các quy định về y tế như khám sức khỏe, xét nghiệm người lành mang trùng và tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng đoàn kiểm tra số 1 của tỉnh kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn tại 3 huyện đã phát hiện được 40 sản phẩm có sai phạm về ghi nhãn theo quy định, trong đó 2 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm.
Diệu Linh