• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tháng Năm nhớ Bác

(Chinhphu.vn) – Trong tuần qua, các hoạt động văn hoá-nghệ thuật diễn ra trong cả nước đều hướng tới kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2012). Đây cũng là dịp để nhân dân ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với Người.

20/05/2012 14:27

Giải thưởng Hồ Chí Minh nhân thêm niềm vui và trách nhiệm của nghệ sỹ

Đúng dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Bác Hồ, sáng 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp trao Bằng giải thưởng và danh hiệu cho các văn nghệ sĩ.

Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm nay được trao cho 12 tác phẩm, công trình, cụm công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị về văn học, nghệ thuật, có tác dụng to lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Còn 74 nghệ sĩ được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Cùng với niềm vui và vinh dự được Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến, các văn nghệ sĩ đều nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình với sự nghiệp xây dựng nền văn học- nghệ thuật nước nhà.

Trong niềm xúc động, nhạc sĩ Phạm Tuyên bày tỏ, suốt cuộc đời sáng tác của ông, nguồn động viên to lớn giúp ông không ngừng sáng tạo chính là tình yêu của nhân dân, của các em thiếu nhi, của nhiều người ở mọi lứa tuổi dành cho những bài hát của ông. Nhưng khi thành tựu được Đảng, Nhà nước ghi nhận, ông lại thấy trách nhiệm to lớn của nghệ sỹ trên bước đường phát triển của dân tộc.

Còn nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng, phần thưởng cá nhân ông nhận được đâu chỉ của riêng ông mà chính là sự đánh giá của nhân dân về những đóng góp của cả một thế hệ những nhà văn đã trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc.

Bày tỏ niềm vui, đạo diễn - NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết, người nghệ sĩ khi lao động sáng tạo thì luôn luôn thầm lặng và không đặt mục tiêu là phải đạt giải thưởng hay danh hiệu. Nhưng khi được tôn vinh thì lại càng phải làm việc để xứng đáng với danh hiệu đó, để tiếp tục vươn tới thành tựu mới.

Muôn triệu trái tim hướng về Bác kính yêu

Tối 19/5, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về An toàn khu (ATK) Thái Nguyên lãnh đạo kháng chiến (1947-2012), 122 năm Ngày sinh của Bác và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên được chọn làm ATK. Chính tại nơi đây, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến. Nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc đã ra đời tại ATK Định Hóa-Thái Nguyên, như Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp" - chiến dịch Thu-Đông 1947, quyết định mở chiến dịch biên giới 1950, chiến dịch Hòa Bình năm 1952... Đặc biệt, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, Định Hoá, Bộ Chính trị đã họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi. Hiện nay, ATK Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng với 130 điểm di tích.

Trước đó, ngày 16/5, Triển lãm ảnh, tư liệu với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh với ATK Thái Nguyên" đã được tổ chức tại TP Thái Nguyên, giới thiệu trên 300 bức ảnh tư liệu, hiện vật, gắn với thời kỳ Bác Hồ làm việc tại đây.

Đây là những tư liệu lịch sử quan trọng về những sự kiện và quyết sách liên quan đến vận mệnh dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định tại ATK - Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên

Tối 15/5, tại Hà Nội, chương trình nghệ thuật “Đài hoa dâng Bác” được tổ chức nhân dịp Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị.

Năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ban Tuyên Giáo Trung ương đã phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan xây dựng Đề án Giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Giải thưởng được trao cho tác phẩm có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, có giá trị nhân văn, góp phần nâng cao nhận thức về tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cổ vũ mọi người hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quảng bá nâng cao vị thế hình ảnh của Việt Nam trên thế giới; có tác dụng tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa cuộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần vào công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Tác phẩm “Giám đốc tự phạt mình và chiếc phong bì mừng thọ” của tác giả Phạm Minh Thư đã giành giải Nhất trong cuộc thi viết về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (đợt 1), do báo Nhân Dân và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức.

Tại quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 17/5, Lễ hội Làng Sen năm 2012 được tổ chức quy mô cấp tỉnh với những hoạt động chính như: hành hương về quê Bác, báo công với Bác tại Khu di tích Kim Liên, Liên hoan Tiếng hát làng Sen cấp tỉnh, cấp huyện, các hoạt động thể thao, hội trại, chiếu phim và triển lãm tranh, ảnh về đề tài Đảng, Bác Hồ.

Trước đó, sáng 18/5, tại thành phố Vinh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen lần thứ 31. Với chủ đề “Dâng Người câu hát Dân ca”, Liên hoan là dịp để mỗi người dân quê Bác thể hiện tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu.

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh khai mạc triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng” với gần 200 ảnh, tài liệu, hiện vật và phim tài liệu. Triển lãm giới thiệu một số quan điểm của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những luận điểm rất cơ bản, sống động, thiết thực và cụ thể: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc quan trọng, thường xuyên của Đảng; tự phê bình và phê bình là biện pháp tốt nhất để xây dựng Đảng; dựa vào nhân dân, vận động toàn dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Sáng 15/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật, Bảo tàng Hồ Chí Minh công bố cuốn sách “Hồ Chí Minh- Ông Tiên sống mãi” của tác giả người Thái Lan Suprida Phanomjong.

Với 190 trang viết, tác phẩm “Hồ Chí Minh- Ông Tiên sống mãi” đã tái hiện toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cuốn sách thấm đượm tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả. Đặc biệt, tác giả đã dành riêng những trang viết về quá trình hoạt động cách mạng của Người ở Thái Lan, những ấn tượng sâu sắc về Người trong lòng những người bạn cùng hoạt động và nhân dân Thái Lan.

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm trở thành Di sản Ký ức thế giới

Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu của nhân loại tại Kỳ họp toàn thể lần thứ 5 Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) trong các ngày từ 14-16/5. Đây là di sản tư liệu thứ 3 của Việt Nam được công nhận, sau 82 Bia Tiến sỹ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám và Mộc bản Triều Nguyễn.

Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận dựa trên 3 tiêu chí là: Tính xác thực, tính độc đáo không thể thay thế và vị trí vai trò trong khu vực với 100% số phiếu ủng hộ.

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm nhận Bằng của UNESCO

Đại đức Thích Thanh Vịnh, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, hệ thống mộc thư còn lưu giữ được ở chùa Vĩnh Nghiêm gồm 3.050 bản khắc gỗ, với 3 thể loại chính là Kinh, Luận và Luật. Những mộc thư này được khắc từ thế kỷ 16-19 để phục vụ việc đào tạo tăng ni, phật tử thiền phái Trúc Lâm và cả nước. Mỗi bản có 2 mặt, khắc chữ Hán Nôm âm bản (khắc ngược) gồm nhiều nội dung: y học, văn học, bùa chú, luật giới nhà Phật... Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm.

Giá trị đặc biệt của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là ở chỗ tư tưởng, giáo lý của Thiền viện Trúc Lâm được lưu giữ hết sức rõ nét và mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc được thể hiện công phu trên mỗi bản khắc (mộc bản). Qua các bảm khắc, chúng ta biết chính xác thời gian chế tác, người khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản của mỗi bộ ván khắc.

Ông Ngô Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa, trên thế giới có nhiều người quan tâm đến chữ Nôm, qua đó tìm hiểu lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam. Vì thế chữ Nôm ở bộ mộc bản này sẽ là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để tra cứu, tham khảo.

Đại đức Thích Thanh Vịnh cho biết, bộ mộc bản kinh phật ở chùa Vĩnh Nghiêm được bảo quản hết sức cẩn thận nên dù có tuổi đời 700 năm nhưng đều còn rất tốt. Từ năm 1994, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang đã tiến hành tổng kiểm kê, đánh số và từ năm 2009 bắt đầu in dịch toàn bộ số ván kinh trên, song song với việc tiến hành lập hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu của thế giới, tỉnh đã có những nghiên cứu phối hợp với chùa Vĩnh Nghiêm về cách bảo quản mộc bản.

Mai Hồng