Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 diễn ra ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề vướng mắc trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ qua thời gian, nhưng kết quả đạt được của ngành công thương vẫn đáng ghi nhận, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD (gấp gần 11 lần so với mức thặng dư 1,16 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) góp phần ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.
Nhập khẩu hàng hóa cơ bản được kiểm soát tốt, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các nhóm hàng phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2%. Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được đổi mới…
Về ngành điện, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm đầu mùa nắng nóng, nhưng đã nhanh chóng khắc phục và cơ bản bảo đảm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Lũy kế 6 tháng năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại hội nghị, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ, những tháng mùa khô, EVN gặp nhiều khó khăn cung ứng điện, từ đầu tháng 6 đã phải thực hiện tiết giảm điện, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân. Để xảy ra việc tiết giảm điện là trách nhiệm của EVN; EVN cũng gửi lời xin lỗi vì đã để ra tình trạng tiết giảm điện trong 20 ngày vừa qua.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, sự phối hợp của các đơn vị liên quan như Tập đoàn PVN, TKV… từ ngày 23/6 đã đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế - xã hội", ông Trần Đình Nhân nói.
Trong khi đó, ngành dầu khí hoàn thành vượt mức kế hoạch với tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện 6 tháng đạt 9,48 triệu tấn quy đổi, vượt 20% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 62% kế hoạch năm 2023.
Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm: Trong 6 tháng đầu năm 2023, than thương phẩm sản xuất khoảng 30,23 triệu tấn, đạt 52,23% kế hoạch năm, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận: Vẫn còn những vấn đề cần phải tập trung giải quyết như tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức thấp; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ; thị trường và mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm; việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Cung ứng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn; có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm cạnh tranh… có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp.
Hơn nữa, việc xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thực hiện cải cách hành chính còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; một số nhiệm vụ được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng.
"Đây là những điểm nghẽn với sự phát triển của ngành thời gian qua, vì vậy cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, cầu thị và kịp thời có giải pháp khả thi để khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.
Để vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Các đơn vị trong ngành chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả để tham mưu, đề xuất các đối sách, giải pháp phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Đặc biệt, tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốt các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm 2023, Chính phủ đã giao các chỉ tiêu chính của ngành công thương gồm: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8-9%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8-9%; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng khoảng 8-9,7%.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định; chủ động phối hợp với đơn vị và địa phương liên quan bám sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm trong các lĩnh vực: Điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản, logistics...
Mặt khác, phối hợp hoàn thành các thủ tục để sớm đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn, trọng điểm; giám sát chủ đầu tư nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, đồng thời bảo đảm điều kiện để khai thác tối đa công suất nhà máy.
Thực hiện tốt việc điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; khẩn trương phối hợp, hoàn thiện thủ tục để chuyển giao đơn vị quản lý Trung tâm A0 và đẩy mạnh biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường giám sát, đôn đốc doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ. “Mục tiêu chung là không được để thiếu điện, than, xăng dầu và khí đốt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mọi tình huống”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Hơn nữa, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế trong lĩnh vực ngành quản lý; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những tháng cuối năm, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII và Chiến lược phát triển ngành điện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tích cực triển khai xây dựng Luật Hóa chất, Luật Phát triển công nghiệp, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải nhằm khuyến khích các DN tham gia đầu tư phát triển các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại, hỗ trợ DN thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Chú trọng triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (nhất là về vốn, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính), góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Phan Trang