• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thành công bước đầu về đổi mới tuyển sinh

(Chinhphu.vn) - Kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 cho thấy đây là thành công bước đầu của Đại học Quốc gia Hà Nội trong nỗ lực đổi mới thi cử theo hướng ngày càng khách quan, chính xác, thuận tiện, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và cả xã hội.

03/06/2015 10:09
Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác tổ chức tại một phòng thi. Ảnh: VGP/Nguyễn Dương
Chuẩn bị chu đáo, kỹ càng

ĐHQGHN vừa tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2015 để lấy kết quả xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường.

Sau một thời gian dài làm công tác chuẩn bị (từ năm 2011), từ ngày 25/3 đến ngày 15/4/2015, ĐHQGHN chính thức cho thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.

Trước đó, trường cũng đã tổ chức thi thử tại Thái Nguyên. Ngoài ra, ĐHQHN cũng triển khai áp dụng phương thức tuyển sinh mới này cho kỳ thi đầu vào cao học. Từ đó, có những đánh giá, rút kinh nghiệm cho 1 kỳ thi lớn hơn cả về quy mô và số lượng là kỳ tuyển sinh ĐH.

Theo thống kê, có 45.350 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1, trong đó có 14.606 thí sinh đăng ký dự thi cả bài thi đánh giá năng lực và bài thi môn Ngoại ngữ.

Tất cả máy vi tính sử dụng phục vụ kỳ thi đều được lựa chọn kỹ lưỡng để đảm bảo hoạt động tốt nhất. ĐHQGHN đã sử dụng 7.497 bộ máy cho kỳ thi (gồm cả dự phòng).

Khâu chuẩn bị, từ thẩm định và thử nghiệm bộ đề thi cũng như việc tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ coi thi đã hoàn tất trước kỳ thi đúng thời hạn.

Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: Phần bắt buộc và phần tự chọn.

Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó. Thí sinh phải hoàn thành 140 câu hỏi trong khoảng thời gian 195 phút. Thí sinh biết kết quả ngay sau khi hoàn tất bài thi.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ rất tích cực từ các đối tác, các đơn vị hỗ trợ như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Bộ Công an, các tỉnh, địa phương, các trường… trong tất cả các khâu từ đăng ký dự thi, thu lệ phí, phối hợp tổ chức thi…

Tại các điểm thi, hơn 1.000 sinh viên tình nguyện của ĐHQGHN và các trường bạn luôn có mặt, sẵn sàng giúp đỡ thí sinh và người nhà. Ngoài ra, trường cũng bố trí chỗ nghỉ ngơi thoáng mát, có mái che, miễn phí nước uống cho người nhà thí sinh tại các điểm thi. Dù 4 ngày thi diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ rất cao, sức khỏe của thí sinh, cán bộ coi thi và người nhà không bị ảnh hưởng nhiều.

Hình thức thi mới tiện lợi, công bằng, đánh giá toàn diện

Qua 4 ngày thi (từ 30, 31/5 và 1, 2/6), đánh giá sơ bộ của Hội đồng tuyển sinh ĐHQGHN cho thấy tỷ lệ thí sinh dự thi đánh giá năng lực ổn định ở mức trên 96% qua các ca thi.

Điều này cho thấy kỳ thi theo phương thức mới đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng cao của xã hội. Đây cũng là năm số lượng thí sinh tham gia dự tuyển vào ĐHQGHN cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

“Các thí sinh đã nhập cuộc chủ động, nghiêm túc và thích ứng tốt với hình thức thi trên máy tính. Hình thức thi mới này đã giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử. Thí sinh không trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài, cũng không có em nào cố ý gây ra những trở ngại dù là nhỏ nhất trong quá trình thi. Không còn cảnh thí sinh mang phao vào phòng thi, vứt phao bừa bãi sau khi thi”, Phó Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của trường năm 2015 Nguyễn Kim Sơn nói.

Trong các ngày thi, chỉ có 1 trường hợp thí sinh ở Nghệ An phải chuyển ca thi vì lý do sức khỏe. Thí sinh này đã được các cán bộ y tế phục vụ kỳ thi hỗ trợ kịp thời. Các thí sinh thao tác sai trong quá trình làm bài thi hay gặp sự cố máy tính đã được chuyển sang ca thi tiếp theo.

Số thí sinh phải chuyển ca thi tập trung nhiều tại 3 cụm thi ở Hà Nội. Tại các cụm thi ở các địa phương như Nghệ An, Đà Nẵng hay Thái Nguyên… số thí sinh phải chuyển ca thi rất ít.

Có thể đưa ra nhận xét rằng trình độ về công nghệ thông tin không phải là trở ngại lớn với các em thí sinh ở vùng sâu, vùng xa. Trong quá trình thi, có một số thí sinh bị kỷ luật, đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi. Hội đồng tuyển sinh đã yêu cầu giám thị kịp thời nhắc nhở thí sinh tuân thủ quy chế thi, để không xảy ra tình huống tương tự.

Trước khi thi, nhiều thí sinh đã tìm hiểu thông tin về kỳ thi này trên website của ĐHQGHN ở địa chỉ vnu.edu.vn; của Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN (cet.vnu.edu.vn) hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Các em đã có sự chuẩn bị trước về kỹ thuật, kỹ năng; được làm thử bài thi đánh giá năng lực trên mạng. Hơn nữa, quy trình, giao diện, tương tác phần mềm phù hợp với thực tế trình độ của thí sinh.

Sau khi thi, đa số thí sinh đều cho rằng hình thức thi mới tiện lợi, công bằng, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng và đánh giá đúng, toàn diện năng lực của từng người.

Không có cán bộ nào bị xử lý, kỷ luật. Các cán bộ của các đơn vị phối hợp cũng đã tham gia rất trách nhiệm, hỗ trợ tốt cho kỳ thi.

Tại 7 địa phương, không có cụm thi nào gặp sự cố về điện, máy chủ và đường truyền. Không có trường hợp nào bị dừng, chuyển ca thi vì lý do kỹ thuật. Chỉ có một số ít trên tổng số 7.497 máy tính được huy động phát sinh lỗi trong quá trình vận hành. Bên cạnh đó, các vấn đề như an ninh, y tế, trật tự đã được đảm bảo.

Công tác ra đề thi bài bản, đúng, đủ quy trình, đảm bảo các nguyên tắc bảo mật. Riêng với môn thi Ngoại ngữ, việc in sao đề thi với số lượng lớn đảm bảo đúng thời gian và chất lượng.

Qua phân tích kết quả tại các điểm thi, tỷ lệ trên 70% tổng số thí sinh đạt điểm trung bình trở lên chứng tỏ tỷ lệ các câu hỏi khó, dễ là hợp lý, khả năng phân loại thí sinh của bộ đề tốt. Sự phân hóa thí sinh cũng khá rõ ràng, bảo đảm yêu cầu đặt ra. Thí sinh tỏ ra hào hứng với cách ra đề. Qua xem xét sơ bộ, đã có thí sinh đạt 125/140 điểm. Thời gian được phân bổ cho các thao tác trong quy trình thi cơ bản là hợp lý.

Ban Chỉ đạo Tuyển sinh của ĐHQGHN năm 2015 cho biết “sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm và có điều chỉnh phù hợp để kỳ thi đánh giá năng lực đợt vào tháng 8 tới đây được tốt hơn".

Nguyệt Hà