Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kỳ tích kinh tế Việt Nam, những thành quả đáng khen ngợi trong cuộc chiến chống COVID-19 để tạo đà hồi phục và phát triển kinh tế không phải do may mắn mà có. Theo nhà kinh tế - chính trị học, hạ nghị sĩ Joey Salceda, người Việt sẽ giàu hơn người dân Philippines.
Làn sóng FDI mạnh mẽ và thành công của Việt Nam đã được đề cập rất nhiều. Sputnik dẫn báo cáo cập nhật Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021 của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam khi nhanh chóng kiểm soát các làn sóng bùng phát đại dịch COVID-19 đang đi “đúng hướng”.
Chống COVID-19 thành công giúp Việt Nam duy trì triển vọng phục hồi kinh tế tích cực. Đáng chú ý, trong báo cáo của mình, WB cho biết, sau khi giảm vào tháng 1/2021, vốn FDI đổ vào Việt Nam cao hơn 70,4% so với tháng trước và tăng gấp ba lần về giá trị vốn đầu tư nước ngoài ghi nhận cùng kỳ năm ngoái vào năm 2020. WB cho hay, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD vốn FDI. Đó là điều hết sức đáng mừng trong bối cảnh dòng vốn đang chững lại trên toàn thế giới.
Số liệu thống kê cho thấy, sự gia tăng về vốn FDI này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động đăng ký cấp mới (tăng 265,7% so với cùng kỳ năm trước) và tăng vốn (tăng 273,0% so với cùng kỳ năm trước).
Các dự án lớn bao gồm Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trị giá 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ và Nhà máy sản xuất module tấm nền OLED trị giá 750 triệu USD tại Hải Phòng cũng được WB nhắc đến. Các chuyên gia đánh giá, đây là xu hướng tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI, khi các địa phương đẩy mạnh thu hút theo hướng lựa chọn dự án công nghệ cao, thay vì “chạy đua” giành số lượng như trước kia.
Bên cạnh đó, việc thu hút vốn FDI tại tỉnh Bắc Giang của Việt Nam cũng gây chú ý khi Foxconn (đối tác lớn nhất của Apple) đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án nhà máy với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6.200 tỷ đồng (270 triệu USD). Địa phương này cũng trao giấy chứng nhận cho thêm 3 dự án FDI khác nữa.
Các nhà kinh tế nhận định, việc dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, nhất là xu hướng đầu tư của các tập đoàn lớn kéo theo chuỗi công nghiệp hỗ trợ phát triển. Đây được coi là chất xúc tác thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam cũng phải “tự thay đổi”, “tự chuyển mình”, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sputnik dẫn lại bài phân tích về thành công của Việt Nam trên tuần báo đầu tư MoneyWeek (Anh), đăng ý kiến của chuyên gia Cris Sholto Heaton nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường hứa hẹn nhất trong dài hạn đối với các nhà đầu tư. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng rất tốt dù cũng phải chịu “cú sốc COVID-19” giống như bất kỳ quốc gia nào khác.
“Việt Nam đang dần thoát khỏi đại dịch COVID-19 và ngày càng tỏa sáng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 - một năm đầy rẫy khó khăn vì đại dịch”, tác giả khẳng định. Tờ báo Anh nhấn mạnh rằng, dù tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 2,91%, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình 6-7% trong những năm vừa qua, nhưng vẫn cao hơn các nền kinh tế lớn khác ở châu Á, bỏ xa các nước láng giềng và là điểm sáng của nền kinh tế thế giới trong năm khủng hoảng vì đại dịch do Corona virus.
Vì sao Việt Nam có thể đạt những thành công kinh tế đáng kinh ngạc như vậy trong cơn khủng hoảng toàn cầu do COVID-19 gây ra?
Theo Cris Sholto Heaton, có nhiều lý do quan trọng giúp Việt Nam đạt được thành tích kinh tế nổi bật trong năm 2020. Đầu tiên phải nhắc đến là thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 với những biện pháp, quyết sách phòng, chống dịch hiệu quả, nhờ vậy mà hạn chế thấp nhất được những “đòn giáng nặng nề”, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
“Đặc biệt, thành công của Việt Nam không xuất phát từ yếu tố may mắn, không phải từ “trên trời rơi xuống” mà nhờ Chính phủ nhanh chóng thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 quyết liệt ngay từ đầu”, MoneyWeek nhấn mạnh. Tờ báo Anh cũng dẫn ý kiến của các nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Việt Nam, như Dominic Scriven của Dragon Capital, Andy Ho và Khanh Vu của VinaCapital và Craig Martin của Dynam Capital, đều đánh giá cao những thành tích và nỗ lực của Việt Nam trong công tác chống dịch.
“Việc Chính phủ Việt Nam hành động nhanh chóng, dứt khoát, nhất quán cùng với sự ủng hộ, đồng lòng từ phía người dân đã tạo nên thành công trong thời gian qua”, tờ báo Anh nhận xét và cho rằng, đây là cơ sở quan trọng, nền tảng để các tập đoàn kinh tế lớn tin tưởng môi trường đầu tư, rót vốn đầu tư ở quốc gia này. Theo báo Anh, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc đón làn sóng chuyển dịch đầu tư trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. “Trước kia, cơ sở hạ tầng từng được xem là một trong những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam, thì đến hiện tại, giới đầu tư đánh giá lĩnh vực này đã có nhiều triển vọng khả quan và được cải thiện tốt hơn”, báo Anh khẳng định.
An Bình (theo Sputnik)