Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sinh năm 1994, Ngô Thùy Anh thuộc thế hệ những bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và quyết tâm biến ý tưởng thành hành động. Sau khi tốt nghiệp MBA (Mỹ) năm 2017, Thùy Anh đã từ chối nhiều lời đề nghị làm việc hấp dẫn tại New York để trở về Việt Nam khởi nghiệp.
Hiện Ngô Thùy Anh là Founder của các dự án công nghệ vì cộng đồng như: Hasu – ứng dụng dành riêng cho người cao tuổi; Aligo Kids – nền tảng dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em; Hộp Ký Ức (Memory Love Book) – dự án dành cho các gia đình để tạo nên những cuốn sách dành riêng cho những người thân yêu của họ. Thùy Anh cũng là một trong 8 cô gái xuất sắc có mặt trong danh sách Under 30 năm 2022 do Forbes Việt Nam bình chọn.
"Việt Nam có tiềm năng lớn về thu hút vốn đầu tư, là một quốc gia đang phát triển với nguồn lực vô cùng mạnh mẽ. Mình luôn mong được khởi nghiệp ở chính quê hương với những dự án có ý nghĩa", Ngô Thùy Anh nói.
Thuỳ Anh cho biết, những dự án khởi nghiệp mà cô thực hiện đều có liên quan tới các vấn đề xã hội trong cuộc sống hiện đại là vì những trải nghiệm đa dạng mà cô từng trải qua trước đó.
Hiện tại, các start-up do Thùy Anh sáng lập, điều hành đã và đang giúp cho cuộc sống của các gia đình Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn. Hơn 70.000 trẻ em và gia đình của trẻ em được nâng cao hiểu biết về kỹ năng tự bảo vệ khi rơi vào những tình huống nguy hiểm. Hàng nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số được đào tạo về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới… Trên 12.000 người cao tuổi đang sử dụng ứng dụng Hasu hằng ngày để tập luyện, giải trí và kết nối trong suốt mùa dịch.
"Cũng giống như Thomas Edison chế tạo ra bóng đèn, ông phải thử nghiệm hàng nghìn lần cho đến khi thành công. Khởi nghiệp là tìm kiếm các giải pháp mới, ý tưởng kinh doanh mới, khác với mô hình truyền thống. Do đó, người trẻ khởi nghiệp thất bại là chuyện hoàn toàn bình thường. Có những Founder thành công nhưng trước đó đã 3,4 lần thất bại. Tuy nhiên, quan trọng là thất bại phải qua nhanh nhất, chi phí rẻ nhất và chúng ta học được từ những thất bại đó", Thùy Anh nêu quan điểm.
Theo nữ Founder, khởi nghiệp có thể là con đường khiến cho người trẻ học được nhiều nhất và phát triển bản thân cách nhanh nhất. "Trẻ" chính là điểm thuận lợi nhưng cũng là yếu tố bất lợi với thanh niên khởi nghiệp. Họ là những người nhiều đam mê, nhiều hoài bão, nhưng còn thiếu kinh nghiệm, thiếu trải nghiệm trong mọi thứ từ điều hành công ty, xây dựng đội nhóm, huy động vốn, tạo sản phẩm…
Tuy nhiên, hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người trẻ phát triển, khởi nghiệp thì không có lý do gì chúng ta lại bỏ qua một cách lãng phí.
Cũng giống như Thùy Anh chọn các dự án khởi nghiệp hướng đến cộng đồng, Nguyễn Khánh Linh là Founder Dự án FemaLEAD. Dự án được nhận 15.000 USD từ Quỹ hạt giống tương lai cho Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á YSEALI năm 2019. Đây cũng dự án đầu tay và là bước ngoặt đưa Khánh Linh tiến xa hơn trên hành trình theo đuổi các hoạt động hỗ trợ phụ nữ và bình đẳng giới tại Việt Nam.
Khánh Linh chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, cô từng chứng kiến nhiều câu chuyện bất bình đẳng giới diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày. Khi bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học, được tiếp thu nhiều luồng tri thức tiến bộ mới, Khánh Linh dần nhận ra vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của chính mình mà còn rất nhiều những sinh viên nữ khác.
Điều đó đã thôi thúc Linh đặt chân vào con đường đi tìm câu trả lời và truyền cảm hứng để giúp các bạn sinh viên nữ dám phá bỏ những rào cản về định kiến giới để đạt được những bình đẳng về cơ hội trong tương lai.
Thông qua dự án FemaLEAD, Khánh Linh đã hỗ trợ trực tiếp cho hàng trăm sinh viên nữ có cơ hội kết nối với những người phụ nữ thành công để được dẫn dắt và đào tạo năng lực, đồng thời hỗ trợ gián tiếp cho hàng nghìn thanh niên trẻ thông qua các hoạt động truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Mặc dù tất cả các công việc này đều thực hiện một cách tự nguyện và không hề được trả lương, cô luôn tin rằng những gì xuất phát từ trái tim, sẽ được nhận lại từ trái tim.
Sau hơn một năm hoạt động, Khánh Linh một lần nữa nhận được sự tin tưởng từ Đại sứ quán Mỹ để tiếp tục tài trợ cho dự án, đồng thời vinh dự được nhận giải thưởng "Người truyền cảm hứng" của Giải thưởng thanh niên tiên phong về Bình đẳng giới do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tổ chức năm 2020.
"Mục tiêu sâu xa của mình là mong muốn trao quyền kinh tế cho phụ nữ ở Việt Nam, đặc biệt là những người nữ trẻ. Vì vậy mình đã luôn tìm cách để tạo cơ hội kết nối tới những người phụ nữ thành công, gây dựng cộng đồng "phụ nữ hỗ trợ phụ nữ" để họ được tương trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong hành trình nghề nghiệp của mình", Khánh Linh chia sẻ.
Mặc dù đang hoạt động dựa trên mô hình phi lợi nhuận, Khánh Linh ấp ủ ý tưởng sẽ đưa FemaLEAD thành mô hình doanh nghiệp xã hội để có thể nhân rộng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đồng thời duy trì được nó một cách bền vững nhất.
Không thể phủ nhận nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của nước nhà nhưng tỉ lệ thất bại ở các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không hề nhỏ khi nhiều thống kê đã chỉ ra 90% start-up thất bại.
Khánh Linh cho rằng điều này không hẳn là một điểm tiêu cực bởi vì ngay thời điểm người trẻ dám "dấn thân" là họ đã mang về cho mình rất nhiều bài học quý giá, tư duy của họ phát triển và họ đã đưa bản thân được tiếp cận các nền tảng công nghệ.
Nhờ đó, chính bản thân của người trẻ đã có một lợi thế tuyệt đối về khả năng phát triển và tiếp cận công nghệ số mang đến những điều kiện phát triển tốt nhất cho mình. Quan trọng hơn cả, bởi vì còn trẻ nên họ hoàn toàn có thời gian để làm lại từ đầu, miễn họ đã lường trước các rủi ro là có thể chấp nhận được.
Người trẻ hiện nay có nhiều trăn trở và đau đáu với con đường khởi nghiệp để kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng, tự tạo được công ăn việc làm cho chính bản thân cũng như nhiều người xung quanh và góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Thế nhưng, đa phần dự án khi mới bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn, cũng như chặng đường dài của quá trình khởi nghiệp này phải đương đầu với rất nhiều thử thách, kể cả sự thất bại.
Những khó khăn của người trẻ khởi nghiệp hiện nay như thiếu vốn kinh doanh để phát triển dự án/doanh nghiệp; thiếu nền tảng kiến thức tổng quát (kiến thức quản lý, tài chính,...); thiếu đường hướng kinh doanh và con đường cũng như lộ trình phát triển rõ ràng cho ý tưởng của mình. Từ đó dẫn đến mất rất nhiều thời gian nhưng sự phát triển vẫn chậm và không rõ rệt. Không những thế, người trẻ khởi nghiệp còn thiếu các mối quan hệ kết nối; thiếu sự am hiểu thị trường, nhu cầu tiêu dùng và sự quan tâm của khách hàng...
Đặc biệt, đứng trước những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, người trẻ khởi nghiệp lại càng đang đối diện với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là động lực cho sự đổi mới sáng tạo.
Các bạn trẻ như Thùy Anh và Khánh Linh đều mong muốn có nhiều hơn sự đồng hành từ các bộ, ngành, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp như: Tổ chức thêm nhiều hoạt động dẫn dắt từ những người có kinh nghiệm khởi nghiệp, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, kết nối với các quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ… để tạo điều kiện và tận dụng được tối đa trí tuệ, sức lực và tinh thần của những người trẻ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hoàng Giang