Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tập trung vốn hóa giải lõi nghèo
60 km từ trung tâm thị trấn Bồng Sơn, với 30 km qua cung đường đồi núi, chúng tôi đến "cổng trời" Bình Định thuộc xã An Toàn, huyện An Lão.
Ông Đinh Văn Na, y sĩ trạm y tế xã chia sẻ bây giờ chỉ mất 2 tiếng đi xe máy hay ô tô là có thể về đến thôn 1 này chứ những năm cuối thế kỷ 20, muốn lên đây chỉ có cuốc bộ, vượt núi cả ngày.
Cũng vì nghĩ đến người dân quê mình quá khổ nên học y sĩ xong, ông về quê làm việc. Ở vùng quê này, gia đình ông Na cũng bị cái nghèo "bủa vây" như bao người dân trong thôn vì cuộc sống chỉ trông vào nương rẫy… Ngôi nhà tranh tre dột nát của gia đình ông cũng không sửa sang được cho đến khi Chính phủ hỗ trợ hộ nghèo 23 triệu đồng xóa nhà dột nát.
Thế rồi con đường nhựa lên xã An Toàn được mở đưa kinh tế thị trường theo cùng. Kết quả đó có đóng góp không nhỏ của NHCSXH cùng chính quyền điạ phương trong việc mở ra con đường thoát nghèo cho người dân bằng sản xuất hàng hóa với sự trợ lực của các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Học theo các điển hình làm kinh tế giỏi của huyện, tỉnh, vợ chồng ông Đinh Văn Na mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo để nuôi bò, nuôi trâu. Rồi thêm một vòng vay vốn hộ nghèo 50 triệu đồng nữa, ông đã thoát nghèo vào năm 2020, với tổng đàn gia súc hiện có 10 con bò, 10 con trâu cùng 10 ha quế.
Mới đây, ông Na tiếp tục vay vốn hộ mới thoát nghèo để mở rộng nuôi lượn đen quy mô lớn. Với khoản tiền tích lũy được từ chăn nuôi trâu bò 4 - 5 con/năm những năm trước, gia đình ông đã xây một khu nhà làm du lịch homestay cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Kinh tế dư dả cũng giúp ông chăm lo cho 2 người con đang học lớp 9 và lớp 10 trên huyện.
Ông Đinh Văn Kem cũng là một tấm gương sáng làm kinh tế trong cộng đồng dân tộc Ba na ở thôn An Toàn. Năm 2009, ông Kem cùng vợ và 3 con vẫn sống trong cảnh nghèo. Sống trong rừng đặc dụng không được phát rẫy làm ruộng, diện tích canh tác có hạn nên nhiều năm gia đình ông vẫn phải trông chờ gạo cứu đói 50kg/khẩu/năm.
Nhìn con cái mỗi ngày mỗi lớn và cuộc sống cùng cực, ông quyết tâm vay vốn NHCSXH chương trình hộ nghèo 20 triệu đồng để mua bò về nuôi. Do khí hậu rét, bò không thích ứng được và bị chết. Không nhụt chí, ông Kem làm lụng tích cóp trả nợ ngân hàng rồi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng vốn hộ nghèo để nuôi 1 con trâu và chăn nuôi thêm lợn.
Đến năm 2020, ông Kem đã trả nợ NHCSXH và ra khỏi danh sách hộ nghèo. Từ kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy, ông tiếp tục vay 95 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo, rồi đến tháng 9/2021, ông vay tiếp 90 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm để mở rộng đàn trâu và lợn đen theo sản phẩm OCOOP của huyện An Lão.
Ông cũng đăng ký vay NHCSXH thêm 20 triệu đồng chương trình NS&VSMTNT về làm nhà vệ sinh và dẫn nước sạch sinh hoạt, nâng cao chất lượng sống. Hiện nay, ông có đàn trâu 25 con, cùng với khoản thu từ chăm quản 50 ha rừng phòng hộ và khai thác mật ong, cuộc sống của gia đình ông đã có của ăn, của để.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định Đoàn Trung Thành cho biết Chi nhánh luôn ưu tiên nguồn lực cho các xã, huyện vùng miền núi khó khăn và vùng đồng bào DTTS. Qua đó, đáp ứng 100% các hộ có nhu cầu, chỉ cần các hộ có phương án phát triển kinh tế, sử dụng đúng mục đích.
Thống kê bình quân cho vay của các hộ huyện miền núi và các xã khó khăn luôn cao hơn mức cho vay bình quân chung toàn tỉnh. Ví dụ, tại huyện miền núi nghèo An Lão, dư nợ bình quân đạt 69,26 triệu đồng/hộ, trong khi bình quân dư nợ toàn tỉnh chỉ đạt 53,8 triệu đồng/hộ.
Hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững
Việc trở thành "cánh tay nối dài" của Chính phủ triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 - 2022 của Chi nhánh đã giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, nhất là lao động ly hương nay trở về quê an cư lập nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sự phát triển kinh tế điạ phương.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư An Phát Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết giai đoạn cuối quý III và quý IV/2021, mặc dù sản xuất không bị gián đoạn nhưng doanh nghiệp rất bí về dòng tiền do hàng hóa ứ đọng, chậm bán.
Vì vậy, việc NHCSXH chủ động tiếp cận và giải ngân 13,7 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay để trả lương cho 1.648 người lao động trong 3 tháng 10,11,12/2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ là rất kịp thời, là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp thời điểm đó.
"Chúng tôi rất cảm ơn chính sách của Chính phủ cũng như sự quan tâm của địa phương và NHCSXH đã giúp đơn vị giải quyết kịp thời lương cho nhân viên, giúp doanh nghiệp giữ chân được nhân công nhân trong lúc khó khăn để phục hồi sản xuất.
Đây là điểm tựa để khi đại dịch lắng xuống, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và tuyển dụng thêm 100 lao động từ các tỉnh miền Nam trở về quê so với đầu năm 2021", ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo ở phường Hoài Tân, xã Hoài nhơn cho biết sau dịch, chị trở lại TPHCM làm may nhưng công việc bấp bênh. Khi chồng chị tìm được việc ở quê nhà, chị đã cùng chồng về quê tìm việc làm và đã được nhận vào làm ở Công ty cổ phần Đầu tư An Phát.
Chị cho biết mặc dù mức lương chỉ từ 6,6 - 7 triệu đồng/tháng (bằng 2/3 thu nhập trên thành phố), song chi tiêu cho sinh hoạt thấp lại không phải thuê nhà, cũng như áp lực tăng ca nên cuộc sống của gia đình chị giờ ổn định hơn so với trước.
Cùng với việc triển khai các chính sách tín dụng trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh trong suốt 20 năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định đã đưa 17 chương trình tín dụng ưu đãi đến từng thôn, xóm trên 159 xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt cùng với việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40/CT-TW, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 476,7 tỷ đồng, tăng 463,4 tỷ đồng so với năm 2002. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh tăng 416,5 tỷ đồng, cấp huyện tăng 46,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%/tổng nguồn vốn.
Doanh số cho vay các chương trình tín dụng của Chi nhánh từ đầu năm 2003 đến nay đạt 16.097 tỷ đồng, với gần 726.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp hơn 116.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 81.000 lao động (hơn 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho hơn 107.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.
Nguồn vốn ưu đãi giúp tỉnh xây dựng gần 202.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 47.000 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 808 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP.
Những thành quả này góp phần cho toàn tỉnh có 5 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tổng số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2021 là 83 xã, đạt tỷ lệ 73,5% và có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Bình Định đạy hơn 5.289 tỷ đồng, tăng hơn 5.209 tỷ đồng so với cuối năm 2002, gấp hơn 66 lần so dư nợ nhận bàn giao, tỉ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 25,1% (đạt so với kế hoạch giao)...
Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm đạt hơn 3.850 tỷ đồng, chiếm 72,8%/tổng dư nợ, tăng hơn 3.773 tỷ đồng so với 31/12/2002. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt trên 1.439 tỷ đồng, chiếm 27,2%/tổng dư nợ, tăng hơn 1.436 tỷ đồng so với năm 2002.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bịnh Định Lâm Hải Giang đánh giá qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả thiết thực đến đời sống của người dân, nhất là hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Vì vậy, tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện. Vì kết quả đạt được thời gian qua góp phần đắc lực trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngọc Việt