Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Thanh tra Bộ Tài chính, tổ chức ngày 5/7, lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài chính cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; coi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị.
Lãnh đạo cơ quan Thanh tra Bộ Tài chính luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính; phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch; chủ động, sáng tạo, khẩn trương trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đáng chú ý, Thanh tra Bộ Tài chính đã bám sát diễn biến của dịch COVID-19, triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra 14 cuộc theo kế hoạch. Ngoài ra, Thanh tra Bộ còn thực hiện 11 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo, trong đó kiểm tra 7 đơn vị thuộc Bộ Tài chính về việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19...
6 tháng đầu năm nay Thanh tra Bộ đã kịp thời ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 472 triệu đồng.
Công tác xử lý sau thanh tra được thực hiện đúng quy định và quy trình xử lý sau thanh tra, từ khâu tiếp nhận hồ sơ, theo dõi đôn đốc, xử lý giải trình kiến nghị của đối tượng thanh tra, đến kiểm tra việc thực hiện kiến nghị thanh tra. Cơ quan này cũng chủ động nhập số liệu về các kiến nghị thanh tra vào hệ thống theo dõi và cập nhật kịp thời tình hình thực hiện kiến nghị của các đơn vị. Trong 6 tháng qua, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị nộp ngân sách Nhà nước hơn 147 tỷ đồng.
Song song với đó, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được triển khai khá hiệu quả. Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 150 lượt với 257 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua công tác tiếp công dân đã xem xét, hướng dẫn, giải quyết là 134 vụ việc. Trong đó, cơ quan Bộ đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 14 lượt (khoảng 110 người) đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp 4 lượt đoàn đông người (khoảng 100 người) phản ánh vụ việc liên quan đến trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Lãnh đạo Thanh tra Bộ phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Vụ Tài chính ngân hàng tiếp công dân. Tổng số đơn tiếp nhận 2.728 đơn; số đơn đủ điều kiện xử lý 2.005 đơn, số vụ việc đủ điều kiện xử lý 1.680 vụ việc.
Trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng chống tham nhũng ngành tài chính luôn được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời và đạt được một số kết quả.
Công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng qua đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ và Chính phủ. Bên cạnh xử lý tài chính, thu hồi tiền cho ngân sách, Thanh tra Bộ Tài chính đã có nhiều kiến nghị thay thế, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách...
Hiện nay, Thanh tra Bộ Tài chính đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ đề xuất các nội dung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra tài chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong giai đoạn chuyển đổi số.
Ông Trần Huy Trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng cuối năm 2022, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022 đã được phê duyệt.
Trong tháng 7 này, Thanh tra Bộ sẽ triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra (đã hoàn thành khảo sát, đã ban hành quyết định thanh tra), như: Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam, Tổng công ty 28.
Cơ quan thanh tra sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho phù hợp với tình hình thực tế. Khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính... Tăng cường tham mưu trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường công tác giám sát đối tượng thanh tra, thông qua hệ thống phân tích rủi ro, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính để chủ động cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, cũng như phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 được kịp thời và đúng đối tượng...
Anh Minh