Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Năm 2014, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra 412.223 xe, phát hiện và lập biên bản 59.401 trường hợp vi phạm |
Theo báo cáo tổng kết đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của Bộ GTVT ngày 19/1, trong năm 2014, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra 412.223 xe, phát hiện và lập biên bản 59.401 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 14,4%), buộc các phương tiện vi phạm hạ tải 23.005 xe với hơn 120.000 tấn, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 331 tỷ đồng.
Từ ngày 1/8-31/12/2014, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 6.281/13.485 xe của 1.046 DN, dự án (trên tổng số 4.320 DN, dự án có sử dụng xe ô tô tự đổ) tại 56 địa phương; trong đó, vi phạm 1.169 xe, cắt thùng tại chỗ 342 xe, giữ tem kiểm định 256 xe, yêu cầu tự khắc phục 555 xe.
Ông Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, công tác quản lý vận tải, siết chặt tải trọng xe tại Hà Tĩnh lúc đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi Bộ trưởng GTVT nhắc nhở, phê bình, Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an đều đã ra đường bắt xe quá tải. Trong vòng 1 tháng cơ bản đã giảm được vấn nạn này. Từ 2/1/2015 đến nay, Hà Tĩnh đã bắt gần 200 xe, cắt thùng 47 chiếc.
Còn Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an nhận định, từ khi Bộ GTVT phối hợp với lực lượng CSGT, cảnh sát địa phương thì các vi phạm tải trọng xe giảm từ hơn 20% xuống 10%.
Thanh tra vận tải còn gây bức xúc cho DN
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan như vậy, nhưng công tác kiểm soát trọng tải xe còn nhiều tiêu cực, đặc biệt là ở lực lượng thanh tra vận tải - đội ngũ cán bộ thay mặt Bộ GTVT làm công tác kiểm tra, kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong năm 2014, Bộ GTVT thành lập 7 đoàn thanh tra do 7 Thứ trưởng làm trưởng đoàn tiến hành thanh tra hoạt động vận tải ô tô trong cả nước. Đây là việc làm cần thiết để chấn chỉnh và siết chặt quản lý vận tải. Thế nhưng có những đoàn thanh tra đến rồi đi và để lại nỗi và bức xúc cho các đơn vị vận tải ô tô tại địa phương đó.
“Các đơn vị vận tải thấy đoàn thanh tra góp ý xây dựng thì ít, mà chỉ nặng về dọa nạt, đòi thu hồi giấy phép kinh doanh, giải thể DN, hợp tác xã... Các DN vận tải ở thành phố lớn không thấy ta thán, nhưng lại phản ứng quyết liệt, có DN đòi thay đoàn thanh tra, hoặc giải quyết với các đoàn thanh tra rất “bí mật, êm ái”, ông Thanh nói.
Ông Thanh còn cho rằng trong đội ngũ cán bộ công chức của Bộ GTVT còn một bộ phận không nhỏ có trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị và phẩm chất đạo đức yếu kém. Thói cửa quyền, quan liêu, hách dịch, vô cảm của bộ phận này khiến DN và người dân... khổ cực.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô còn dẫn chứng thêm, trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức hội nghị khách hàng, nhưng tới nay, hội nghị ấy vẫn nằm... trên giấy. Trong khi đó, các DN vận tải khách tại các tỉnh có đường cao tốc đi qua như Yên Bái, Lào Cai… có nguyện vọng thay đổi hành trình, không đi theo Quốc lộ 2, Quốc lộ 32, Quốc lộ 70 để đi vào đường cao tốc, nhưng không được các sở GTVT địa phương tạo điều kiện, thậm chí còn cản trở.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ trưởng GTVT chỉ đạo các sở GTVT tạo điều kiện cho DN được đi trên đường cao tốc khi họ có nhu cầu”, ông Thanh nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết những ý kiến phản ánh về một bộ phận thanh tra, Bộ GTVT đã cho rà soát và kiểm tra xử lý.
Còn về vấn đề cản trở không cho xe khách đi trên đường cao tốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo VEC tổ chức hội nghị khách hàng với các sở GTVT trước ngày 5/2/2015 để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Phan Trang