Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng ngày 16/2, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến thời điểm này, tất cả các Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác lựa chọn nhà thầu: Toàn bộ dự án có tổng cộng 226 gói thầu, gồm: 93 gói thầu xây lắp móng cột, lắp dựng cột; 75 gói thầu cung cấp cột thép; 36 gói thầu cung cấp dây dẫn, cáp quang; 17 gói thầu cung cấp cách điện và phụ kiện; 5 gói thầu cung cấp vật tư thiết bị nhất thứ, nhị thứ, kháng điện và phụ kiện. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành việc ký hợp đồng và triển khai, chỉ còn 4 gói thầu đang hoàn thiện thủ tục (sẽ sớm hoàn thành trong các ngày tới).
Về công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao các vị trí móng cột đã đạt khoảng 91%; phần hành lang tuyến đạt khoảng 21%.
Cụ thể, Dự án đường dây 500 kV Nam Định I - Thanh Hóa đã hoàn thành bàn giao được 180/180 vị trí móng cột (bao gồm 01 vị trí mới bàn giao một phần) và 35/75 khoảng néo.
Dự án đường dây 500 kV Nam Định I - Phố Nối: Đã hoàn thành bàn giao 327/334 vị trí móng cột (bao gồm 02 vị trí đã bàn giao nhưng còn vướng mắc, mới bàn giao một phần) và 89/136 khoảng néo.
Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu: Đã hoàn thành bàn giao 404/463 vị trí móng cột và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phần hành lang an toàn cho 194 khoảng néo. Trong 404 vị trí nêu trên, chưa thể thi công được 61 vị trí, gồm 60 vị trí do chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và vướng mắc thủ tục tác động vào rừng để mở đường thi công vào vị trí móng, 1 vị trí mới bàn giao một phần.
Dự án đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa: Đã hoàn thành bàn giao 164/203 vị trí móng cột và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phần hành lang an toàn cho 98 khoảng néo.
Đối với công tác thi công, sau khi có mặt bằng, các đơn vị đã nhanh chóng triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, dự án Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa khởi công ngày 25/10/2023, đến nay đã hoàn thành đúc móng được 75/180 vị trí và đang triển khai làm đường thi công, thi công đào, đúc móng hoặc ép cọc đồng thời tại 94/180 vị trí móng trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định.
Dự án Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I - Phố Nối khởi công ngày 18/1/2024, đến nay đã hoàn thành đúc móng được 4/334 vị trí, đang thi công đào đúc móng tại 158/334 vị trí.
Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa khởi công ngày 18/1/2024, đến nay đang triển khai làm đường thi công, thi công đào đúc móng đồng thời tại 71/203 vị trí.
Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu khởi công ngày 18/1/2024, đến nay đã hoàn thành đúc móng được 1/463 vị trí, đang triển khai làm đường thi công, thi công đào đúc móng đồng thời tại 174/463 vị trí.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, song khối lượng công việc còn rất lớn, trong khi thời gian đến mốc tiến độ 30/6 không còn nhiều, đặc biệt là dự án còn gặp một số vướng mắc liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đường thi công; công tác bàn giao mặt bằng vị trí móng cột và hành lang tuyến chưa đạt yêu cầu đề ra.
Việc sử dụng diện tích rừng nêu trên để làm đường tạm thời, bãi tạm tập kết vật tư vật liệu phục vụ thi công hiện chưa có quy định/hướng dẫn. Ngày 2/2/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 996/BNN-KL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ để giải quyết các khó khăn vướng mắc về việc cho phép tác động vào rừng phục vụ thi công các Dự án. Tuy nhiên nếu chờ Nghị định 156/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (theo quy định là ít nhất 45 ngày sau khi ký ban hành) thì sẽ chậm tiến độ các dự án.
Về diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên phần móng cột đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại các Quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn Thiết kế kỹ thuật do cần chuẩn xác giải pháp thiết kế dẫn tới tọa độ các vị trí móng có thể sẽ có sai khác (mặc dù diện tích cần chuyển đổi không vượt quá chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt). Đây cũng là những khó khăn trong việc thẩm định phê duyệt Hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là thủ tục liên quan đến công tác chuyển đổi đất rừng và đường thi công tạm.
Để phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, EVN kiến nghị Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh quyết định chủ trương về tác động vào rừng để làm đường tạm, các công trình tạm phục vụ thi công mà không chờ sửa đổi, bổ sung nghị định 156/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với diện tích rừng thuộc phạm vi móng cột đã được duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu phải điều chỉnh theo thiết kế kỹ thuật mà không vượt tổng diện tích đã phê duyệt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Ủy ban nhân dân các tỉnh chấp thuận mà không phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.
EVN cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao nhiệm vụ cho Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh tổ chức chặt hạ, thanh lý cây cao su tại mặt bằng của 35 vị trí móng cột trước ngày 20/2/2024 để Chủ đầu tư triển khai thi công các vị trí móng trụ. Đồng thời hoàn thành bàn giao hành lang tuyến trước ngày 29/2/2024.
Ban Chỉ đạo đề nghị UBND các tỉnh có đường dây đi qua chỉ đạo đôn đốc các sở ngành, địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng các vị trí móng cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ đã cam kết với Thủ tướng và hoàn thành bàn giao mặt bằng hành lang tuyến trong quý I năm 2024.
Đối với các địa phương có đất rừng, sớm chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trồng thuộc thẩm quyền của tỉnh; Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên tại một số vị trí bị vướng để chủ đầu tư triển khai thi công…
Sau khi nghe các ý kiến của chủ đầu tư, các địa phương và một số bộ ngành, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng không chỉ cung cấp điện mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội. Dự án này đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, sau 4 tháng khối lượng công việc rất tốt. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã trực tiếp làm việc với các địa phương, dự kiến, chiều nay Thủ tướng dự kiến sẽ thành lập đoàn công tác để bắt đầu từ ngày mai, ngày kia sẽ làm việc với Nghệ An, Hà Tĩnh - đây là những địa bàn trọng điểm còn vướng mắc của dự án này.
"Tuy nhiên, với tinh thần thẳng thắn và cầu thị, chúng ta có thể nói rằng so với cam kết mà các Bộ Ngành địa phương cam kết với Thủ tướng hôm 27-28/1 vừa qua vẫn còn khá xa. Nếu chúng ta không vượt qua những khó khăn vướng mắc để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện cam kết của chính mình theo chỉ đạo của Chính phủ thì rất khó có thể thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ.
Để thực hiện được tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng là trước 30/6/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ Ngành, địa phương đặc biệt là chủ đầu tư cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, các Bộ Ngành, địa phương chủ động rà soát các nhiệm vụ và công việc được Chính phủ, Thủ thướng Chính phủ giao để tập trung giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những vướng mắc ngay trong tháng này cho chủ đầu tư và các nhà thầu thi công. Vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay cần tháo gỡ là chuyển đổi đất rừng và mặt bằng di chuyển của các máy móc thi công cho dự án.
Thứ hai, đề nghị các địa phương chưa hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho các vị trí hố móng cũng như bàn giao rồi nhưng còn vướng mắc chưa thể triển khai thi công thì cần gấp rút hoàn thiện và trước ngày 20/2. Về mặt bằng hành lang tuyến chậm nhất là ngày 15/3 phải bàn giao cho chủ đầu tư.
Thứ ba, đề nghị Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng sớm xem xét, một mặt trình ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 156. Trong lúc chờ ban hành Nghị định này có hiệu lực theo quy định của pháp luật thì có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để các địa phương thực hiện việc cho phép chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp để thi công.
Đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của các địa phương, EVN/EVNNPT để xử lý những vấn đề có liên quan về công tác đền bù giải phóng mặt bằng liên quan đến đất rừng cao su.
Thứ tư, EVN/EVNNPT khẩn trương hoàn thiện hoàn thiện, cung cấp hồ sơ liên quan để các địa phương có thể xây dựng phương án và đền bù giải phóng mặt bằng; khẩn trương thi công ngay những vị trí đã có mặt bằng và đúng điều kiện thi công để đạt được tiến độ dự án. Cần phải sớm hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu các gói thầu còn lại ngay trong tháng 2, nhất là vấn đề lựa chọn nhà thầu để cung cấp vật tư thiết bị lõi cho dự án. Phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền, các cơ quan chức năng địa phương để triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt chú ý đến an ninh an toàn, kể cả an ninh đối với quá trình thi công. Ngoài ra, vẫn đề môi trường phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
"Chủ đầu tư, các bộ ngành, địa phương cần làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, các tổ chức, cá nhân cho dự án trong quá trình thi công cũng như quản lý, vận hành sau này vì đây không phải là dự án của EVN mà là dự án trọng điểm của quốc gia", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, các địa phương cũng cam kết sẽ quyết liệt chỉ đạo, nỗ lực hết mình để hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng theo tiến độ đề ra; hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác giải quyết các thủ tục, đảm bảo thi công.
Phan Trang