Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tọa đàm với DN FDI về hoạt động xuất nhập khẩu tại TPHCM ngày 24/7. Ảnh: VGP/Thanh Thủy |
Vai trò chủ đạo của DN FDI trong xuất khẩu
Tại buổi tọa đàm với các DN FDI các tỉnh phía Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/7, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài hướng đến xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực xuất khẩu, qua đó giúp chúng ta từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể thấy, xuất khẩu của khu vực FDI đang dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu.
Với tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 30%/năm, các DN FDI đã góp phần giảm bớt căng thẳng về cán cân thương mại. Năm 2012, DN FDI xuất siêu 4,1 tỷ USD, năm 2013 DN FDI xuất siêu 6,48 tỷ USD, góp phần tạo nên thặng dư thương mại, cân bằng cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá ngoại tệ.
Kim ngạch xuất khẩu của khối các DN FDI ngày càng tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực này (kể cả dầu thô) đã đạt 47,8 tỷ USD, chiếm đến 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính đến ngày 15/7, đã có 16.589 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 238,7 tỷ USD.
Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, linh kiện và điện tử, giầy dép, hàng dệt may, máy ảnh. Nhiều sản phẩm xuất khẩu Việt Nam đủ sức cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc trên các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, các DN FDI hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục thuế, xuất nhập khẩu. Ngoài ra, còn nhiều DN chưa cập nhật kịp thời những văn bản hành chính mới ban hành nên đã ảnh hưởng tới quá trình thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu.
Chính vì vậy, theo ông Trần Tuấn Anh, qua các buổi tọa đàm, các DN có thể trực tiếp gặp gỡ, trình bày và được giải đáp những khó khăn của DN mình với các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cộng đồng DN nói chung và DN FDI nói riêng phát triển kinh doanh hiệu quả và bền vững, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Kim ngạch xuất khẩu của khối các DN FDI ngày càng tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ảnh:VGP/Thanh Thủy |
Tháo gỡ các thủ tục hải quan, thuế
Liên quan đến các thủ tục thuế, xuất nhập khẩu và hải quan, các DN chủ yếu kiến nghị thủ tục hành chính hải quan, thuế, cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), hàng hóa linh kiện nội bộ, nhập trang thiết bị đã qua sử dụng… Một số DN đề nghị mở rộng diện DN được hưởng ưu tiên của hải quan trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, đưa vật tư vào sản xuất kinh doanh kịp thời.
Đại diện Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, chuyên về dệt nhuộm ở KCN Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, việc thường xuyên sai lệch về số lượng cân nặng của hàng hóa xuất khẩu giữa DN và hải quan sân bay đã gây nên rắc rối trên tờ khai hải quan. Mặt khác, khi giám định hàng hóa còn xảy ra các kết quả khác nhau cho cùng một loại hàng hóa và nhà nhập khẩu…
Công ty Datalogic Scanning Việt Nam tại TPHCM, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất các thiết bị đọc mã vạch mang nhãn hiệu Datalogic (Tập đoàn Datalogic có trụ sở tại TP. Bologna của Italy) lại đang vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận hàng hóa (C/O) và việc nhập thiết bị phục vụ cho hoạt động bảo trì (các thiết bị thế hệ cũ) bị vướng thông tư nhập khẩu máy móc thiết bị cũ đã qua sử dụng…
Tháo gỡ vướng mắc của các DN về các vấn đề nêu trên, ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý (Tổng Cục Hải quan), cho biết sẽ có hướng dẫn cụ thể về dung sai của trọng lượng hàng hóa xuất khẩu khi cân tại DN và tại Hải quan trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng kết quả giám định hàng hóa khác nhau, nếu xảy ra 2 lần trở lên, hải quan sẽ đồng ý cho DN được sử dụng một đơn vị giám định độc lập để làm căn cứ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, để tránh tình trạng nhập các máy móc cũ, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản hướng dẫn cụ thể và các DN bắt buộc phải tuân theo các quy chuẩn.
Để tháo gỡ cho DN Điện tử Samsung Vina về việc giải quyết các cưỡng chế thủ tục hải quan như chưa nộp đủ tờ khai, chưa nộp thuế phạt chậm trả… do lỗi hệ thống cập nhật của Hải quan, ông Âu Anh Tuấn cho rằng nếu có giải trình cụ thể và DN có thể chứng minh được đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thuế, hải quan thì sẽ giải quyết cho thông quan hàng hóa ngay.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN đối với chính sách chưa sát thực tế hoặc có vướng mắc trong quá trình thực hiện để từ đó tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tổ chức sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tại Việt Nam.
Thanh Thủy