Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo thu hút sự tham gia của các đơn vị là thành viên của Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam, hoạt động ở nhiều lĩnh vực như tư vấn xây dựng công trình dân dụng, công trình công nghiệp, điện, năng lượng, giao thông, cấp thoát nước…
Các đại biểu dự hội thảo đã kiến nghị Cục Kinh tế xây dựng hướng dẫn, giải đáp một số vấn đề bất cập liên quan đến định mức, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, đại diện Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam, việc chi phí quản lý dự án (QLDA) chỉ tính trên giá trị xây dựng và thiết bị là chưa phù hợp vì nhiệm vụ QLDA là toàn bộ các chi phí liên quan đến dự án, bao gồm cả chi phí tư vấn và chi phí khác.
Chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với chi phí thiết kế. Điều này ngược với xu thế của nước ngoài. Hơn nữa, giai đoạn FS rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả và tính sáng tạo của dự án. Do vậy, cần dành nhiều thời gian và chi phí cho giai đoạn này.
Ông Quốc Anh cũng cho rằng trong chi phí thiết kế hiện nay không nói rõ là có chi phí thiết kế ý tưởng (concept) hay không? Không đề cập đến việc nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ hoặc ý tưởng mới trong thiết kế…, dẫn đến sản phẩm thiết kế chưa thực sự tốt.
Cũng đề cập đến chi phí QLDA và quản lý tư vấn đầu tư xây dựng, ông Đàm Đức Tuân (Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – CONINCO) cho rằng hiện có nhiều dự án, công trình, gói thầu có quy mô chi phí nằm ngoài quy mô chi phí được ban hành trong các thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
"Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, trường hợp vượt khung này được tính theo dự toán. Tuy nhiên, có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện", đại diện CONINCO cho biết.
Ưu tiên chỉnh sửa các định mức còn bất cập
Đề cập đến vướng mắc liên quan đến định mức xây dựng, ông Hoàng Tuấn, Viện trưởng Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng cho rằng ngành có nhiều nhóm công trình đặc thù không có trong định mức của Nhà nước. Một số công tác có định mức nhưng lại không phù hợp với điều kiện thi công…
Ông Hoàng Anh (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT – TEDI) cho rằng một số định mức chưa có trong hệ thống đã công bố. "Hệ thống định mức mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp với công nghệ thi công hiện tại. Một số định mức có quy định hay thuyết minh chưa rõ, gây khó khăn trong quá trình lập, thẩm tra, thẩm định cũng như thanh tra kiểm toán", đại diện TEDI phản ánh
Đề cập đến việc công bố giá đến chân công trình, ông Hoàng Anh cho biết thêm: Thực tế công bố giá vật tư, vật liệu xây dựng của địa phương còn chậm, đa số theo quý, chưa sát với thị trường. Danh mục công bố còn thiếu nhiều loại VLXD chủ yếu.
"Giá công bố tại các thời điểm khác nhau, nhiều khi không cập nhật so với biến thị trường dẫn đến giá lập dự toán, đấu thầu và giá thi công có sự chênh lệch lớn", đại diện TEDI nhấn mạnh.
Theo đại diện các doanh nghiệp tham gia hội thảo, hầu hết việc công bố giá vật liệu được xem xét trên cơ sở tham khảo báo giá của nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh mà chưa xem xét đến khả năng cung cầu của thị trường. Đến khi có dự án lớn hoặc nhiều dự án được triển khai đồng thời, các nhà cung ứng vật liệu lợi dụng tình trạng cầu vượt cung để đầu cơ, tăng giá, trục lợi.
"Thực trạng này khiến công tác lập, quản lý chi phí gặp nhiều khó khăn, đẩy nhà thầu vào rủi ro khi giá vật liệu bùng phát tăng tại thời điểm thực hiện dự án" đại diện các doanh nghiệp nêu rõ.
Các đại biểu đề xuất Bộ Xây dựng và Bộ chuyên ngành ưu tiên tập trung chỉnh sửa các ĐM còn bất cập, ảnh hưởng lớn đến chi phí ĐTXD; xây dựng mới các định mức mang tính cấp thiết, còn thiếu trong hệ thống định mức.
Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương đối với việc công bố giá xây dựng minh bạch, công khai, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường.
Các địa phương cần thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các loại vật liệu chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, biện động nhiều thì cần tổ chức xác định, công bố giá VLXD hằng tháng, hằng tuần.
Đồng thời nâng cao chất lượng dự báo về khả năng cung – cầu trên địa bàn, về biến động giá các VLXD chủ yếu, chiếm tỉ trọng lớn trong chí phí đầu tư xây dựng.
Hoàn thiện quy định về quản lý chi phí ĐTXD, định mức
Giải đáp thắc mắc đại biểu nêu liên quan đến chi phí QLDA, chi phí tư vấn xây dựng, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng Đàm Đức Biên cho biết: "Thời gian qua, hệ thống cơ chế chính sách và các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo rà soát tổng thể, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế".
Theo đó, các quy định về quản lý loại chi phí này được hoàn thiện theo hướng quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi phí nhưng tạo quyền chủ động, nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của người quyết định đầu tư, của chủ đầu tư trong triển khai thực hiện; đồng thời tránh phát sinh thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho dự án…
Trong năm 2021, Bộ Xây dựng cơ bản hoàn thành việc rà soát hệ thống định mức do Bộ Xây dựng đã công bố, ban hành, đồng thời chủ động làm việc với một số bộ, địa phương để hướng dẫn thực hiện rà soát, xác định định mức cho các công trình xây dựng đặc thù của ngành.
"Tuy nhiên, hệ thống định mức đòi hỏi có thêm thời gian hoàn thiện và sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành và các đơn vị, doanh nghiệp", lãnh đạo Cục Kinh tế xây dựng cho biết.
Ông Đàm Đức Biên ghi nhận việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương đều có "độ trễ" hơn so với diễn biến thị trường. Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương công bố giá kịp thời, bảo đảm sát giá thị trường, phục vụ điều chỉnh giá hợp đồng; tăng cường xử lý nghiêm các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, đẩy giá VLXD.
Bộ Xây dựng đã giao Cục Kinh tế xây dựng phối hợp với Viện Kinh tế Xây dựng nghiên cứu, để trình Bộ ban hành hướng dẫn các Sở Xây dựng tiêu chí về cách thức khảo sát, công bố để đảm bảo công bố giá thống nhất, kịp thời…
Cục Kinh tế xây dựng kiến nghị với lãnh đạo Bộ Xây dựng, trước mắt, phạm vi áp dụng của chỉ số giá xây dựng quốc gia chỉ phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, chưa áp dụng cho điều chỉnh hợp đồng. Việc áp dụng xác định chi phí cũng ở trong một phạm vi nhất định.
Ông Đàm Đức Biên nhấn mạnh việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng là cần thiết. Cùng với đó, các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn xây dựng cũng cần hướng đến chuyên nghiệp hơn để cung cấp cho các chủ đầu tư những sản phẩm tư vấn tốt nhất...
Cục Kinh tế Xây dựng sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe những ý kiến trao đổi của giới hành nghề về những khó khăn trong thực tiễn quản lý chi phí đầu tư xây dựng nói chung, về định mức, giá xây dựng nói riêng và cùng nhau làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp.
"Trên cơ sở đó, Cục sẽ tham mưu Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ vướng mắc, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình triển khai, góp phần đảm bảo hiệu quả của đầu tư dự án", ông Đàm Đức Biên khẳng định
Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam cho biết từ năm 2015 đến nay, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành lần lượt và thay thế 3 nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gồm Nghị định số 32/2015/NĐ-CP, Nghị định 68/2019/NĐ-CP và nghị định 10/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của thị trường xây dựng nên khi thực thi những chính sách mới, không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, Hiệp hội sẽ tổng hợp các ý kiến tại hội thảo và có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng. Đồng thời sẵn sàng hợp tác với cơ quan nhà nước trong việc đóng góp ý kiến, hoàn thiện thể chế để công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiệu quả hơn.
Toàn Thắng