• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Thay đổi ‘chiến thuật’ hỗ trợ chống dịch tại Bình Dương để giảm ca tử vong

(Chinhphu.vn) - Trước sự gia tăng nhanh số ca mắc COVID-19 ở Bình Dương, GS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Phó Trưởng ban Phòng chống dịch COVID-19, Trường ĐH Y Hà Nội - đơn vị đang có 350 cán bộ và sinh viên hỗ trợ Bình Dương chống dịch trong gần 2 tháng qua, đã chia sẻ về những thay đổi cơ bản trong chiến lược phòng chống COVID-19 mà nhà trường đang hỗ trợ Bình Dương, nhằm giảm tối đa số ca tử vong.

17/08/2021 18:56

GS.TS Lê Thị Hương: Nhà trường quyết định đảo quân, thay thế dần đội tình nguyện hiện tại (chủ yếu làm nhiệm vụ lấy mẫu) bằng đội ngũ chuyên gia về điều trị 
Thay đội tình nguyện bằng đội ngũ chuyên gia về điều trị

Bà có thể chia sẻ cụ thể nhà trường sẽ thực hiện việc thay đổi chiến lược hỗ trợ phòng chống COVID-19 tại Bình Dương như thế nào?

GS.TS. Lê Thị Hương: Chúng tôi quyết định 2 việc quan trọng. Thứ nhất là thiết lập một hệ thống truy vết hiệu quả, dựa vào y tế cơ sở để tiếp tục thực hiện việc lấy mẫu cho cộng đồng và theo dấu các trường hợp có tiếp xúc. Thứ hai, củng cố hệ thống điều trị, tăng cường năng lực khám chữa bệnh và điều trị những ca nặng.

Chiến lược thứ nhất, đoàn công tác của Trường ĐH Y Hà Nội đã chuyển giao toàn bộ quy trình lấy mẫu, xét nghiệm, báo cáo, trả kết quả cho địa phương. Trong thời gian gần 2 tháng qua, đội tình nguyện của trường đã chia thành 10 đoàn, tham gia lấy mẫu và truy vết các trường hợp có tiếp xúc tại 8 trung tâm y tế thành phố, huyện, thị xã và 2 bệnh viện của Bình Dương. Đoàn đã tham gia lấy mẫu cho 664.164 người và truy vết gần 7.500 trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh và hỗ trợ tiêm vaccine cho trên 10.000 người.

Chiến lược thứ hai, nhà trường quyết định đảo quân, thay thế dần đội tình nguyện hiện tại (chủ yếu làm nhiệm vụ lấy mẫu) bằng đội ngũ chuyên gia về điều trị, là các bác sĩ có kinh nghiệm trong các lĩnh vực hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, tim mạch, gây mê, huyết học.

Chúng tôi dự kiến sẽ đưa sinh viên trở về, để đào tạo thêm về chẩn đoán và điều trị COVID-19, đảm bảo trang bị kiến thức cho các em, đồng thời sẽ cử các đoàn bác sĩ nội trú, chuyên gia với sự chỉ đạo trực tiếp tại chỗ của PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội để vận hành Trung tâm Hồi sức bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương.

Để tránh ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, 2 nhiệm vụ này đã được nhà trường triển khai cách đây 2 tuần, ngay từ khi dịch COVID-19 tại Bình Dương diễn biến phức tạp.

Đồng thời, để đảm bảo việc cập nhật chuyên môn và chuẩn bị vận hành BV Dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội, Bộ Y tế cũng đã có công văn đồng ý cho sinh viên nhà trường đang hỗ trợ tại Bình Dương trở về Hà Nội sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Tại sao Trường ĐH Y Hà Nội lại có sự điều chỉnh về “chiến thuật” hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Bình Dương ở thời điểm này, thưa bà?

GS.TS. Lê Thị Hương: Trước những diễn biến đáng lo ngại của COVID-19 tại Bình Dương, số ca nhiễm tăng cao, dẫn đến áp lực điều trị rất lớn. Việc truy vết trên diện rộng sẽ giảm hiệu quả khi số lượng người nhiễm quá lớn, dẫn đến áp lực dồn lên hệ thống điều trị. Khi số ca mắc tăng, số bệnh nhân nặng sẽ tăng và cấp thiết phải tập trung vào việc điều trị. Căn cứ trên mô hình diễn biến của dịch, Trường ĐH Y Hà Nội đã quyết định chuyển từ "sàng lọc nhanh, truy vết nhanh", sang "điều trị chắc”. Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này là cứu sống được nhiều người nhất có thể.

Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: VGP/Quốc Đạt

Nhiệm vụ hàng đầu là điều trị bệnh nhân COVID-19

Theo bà, việc thay đổi nhân lực hỗ trợ phòng chống dịch trong giai đoạn này sẽ có tác động như thế nào đối với Bình Dương?

GS.TS. Lê Thị Hương: Chúng ta phải xác định, việc điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 là một nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều so với công việc lấy mẫu và truy vết, đòi hỏi tất cả nhân viên y tế phải được đào tạo bài bản. Chúng ta không muốn mất đi bất kỳ mạng sống nào, của bất kỳ ai, dù là nhân viên y tế hay người dân. Do đó, việc thay đổi nhân sự chuyên môn trong thời điểm khó khăn này là để củng cố hệ thống điều trị.

Các sinh viên của nhà trường đã tham gia chống dịch từ vụ dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang nên rất cần hỗ trợ các em cập nhật kiến thức, hoàn thành chương trình đào tạo. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo chăm sóc điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình, nặng và nguy kịch.

Chúng tôi dự kiến, việc thay đổi nhân lực này sẽ không ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch, do việc thay thế nhân sự được thực hiện song song.

Một mặt chúng tôi đưa sinh viên trở về để đào tạo, một mặt chúng tôi đưa các bác sĩ, điều dưỡng đủ tay nghề vào các trung tâm hồi sức của Bình Dương.

Việc đào tạo cho một người lấy mẫu và truy vết chỉ cần một tuần, thì việc đào tạo cho một người sử dụng được máy thở, oxy phải mất cả tháng. Để đảm bảo điều trị chắc, bắt buộc chúng ta phải có một chiến lược phù hợp để tái tạo sức lao động và bồi dưỡng chuyên môn.

Nhà trường đang chuẩn bị một kế hoạch dài hạn, đảm bảo bố trí công việc linh hoạt theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch, đồng thời tổng động viên cán bộ, người lao động của nhà trường, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ nội trú sẵn sàng tham gia việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân, sẵn sàng hỗ trợ khi có điều động của Bộ Y tế.

Chúng tôi cũng đang xem xét việc mở rộng đối tượng đào tạo chăm sóc bệnh nhân COVID-19, vì khi hệ thống quá tải, bắt buộc chúng ta phải huy động thêm các nguồn nhân lực khác từ cộng đồng, để hỗ trợ công việc của nhân viên y tế. Và tất cả các đối tượng này đều cần được đào tạo cẩn thận, sử dụng hợp lý để tránh nguy cơ lây nhiễm, làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế.

Trường ĐH Y Hà Nội cũng đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ công tác phòng chống dịch, như thử nghiệm lâm sàn vaccine, hoàn thiện BV Dã chiến hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19, nâng công suất phòng xét nghiệm COVID-19... Xin bà chia sẻ thêm về những nội dung này?

GS.TS. Lê Thị Hương: Hiện nay, trường đang triển khai 2 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng rất lớn về vaccine COVID-19, là vaccine COVIVAC của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) và vaccine ARCT-154 theo công nghệ mRNA do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc Tập đoàn VinGroup đàm phán nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng các kết quả ban đầu sẽ có vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, trong công tác phòng chống dịch hiện nay, nhà trường cũng đang xúc tiến việc hoàn thiện BV Dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 1.000 giường tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 9 tới. Đây sẽ là đơn vị điều trị tuyến cuối cho những bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch của Hà Nội. Số lượng cán bộ tối thiểu cần thiết để vận hành BV này là 1.000 người, và nhà trường đang có kế hoạch để bố trí nhân lực phù hợp.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu nâng công suất xét nghiệm của phòng xét nghiệm COVID-19, đảm bảo việc hỗ trợ xét nghiệm cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Do nhu cầu xét nghiệm rất cao và thời gian trả xét nghiệm cần được rút ngắn hơn nữa để đảm bảo việc phát hiện ca bệnh, chúng tôi đang triển khai hệ thống xét nghiệm nhanh để nâng số lượng mẫu xét nghiệm trên 2.000 mẫu/ngày.

Chúng tôi cũng đang triển khai tiêm vaccine COVID-19, với công suất trên 2.000 mũi/ngày tại 3 cơ sở, để đảm bảo tăng tốc bao phủ 2 mũi cho đối tượng có nguy cơ cao và được ưu tiên theo quy định của Chính phủ.

Nhà trường cũng đang gấp rút triển khai các lớp tập huấn về vận hành phòng xét nghiệm, chăm sóc điều trị tích cực bệnh nhân COVID-19 và tập huấn về tiêm chủng cho nhân viên y tế để sẵn sàng nhân lực khi được điều động.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hiền Minh (thực hiện)