Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kỳ vọng về một nước Nga thịnh vượng
Tại nước Nga, ngày 7/5 Tổng thống đắc cử Vladimir Putin đã tuyên thệ nhậm chức trong một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm (2012 - 2017). Đây là nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 của ông Putin, sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp trước đây (từ năm 2000 - 2008).
Từng được đánh giá là nhà lãnh đạo thành công trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống trước đây, đa số người dân Nga hy vọng rằng trong lần trở lại Điện Kremli này, ông Putin sẽ tiếp tục đưa nước Nga lên tầm cao phát triển mới. Một nước Nga giờ đây với sự phát triển kinh tế khá ổn định và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế, cộng với sự ủng hộ của người dân đối với bản thân ông Putin và Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền chính là tiền đề tạo thuận lợi cho vị tân tổng thống trong nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh căng thẳng trong xã hội Nga có chiều hướng gia tăng và tình hình quốc tế diễn biến khó đoán định, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 của ông Putin cũng sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức.
Đó là bên cạnh cải cách chính trị, ông Putin còn phải đề ra chính sách phát triển kinh tế theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu nhiên - nguyên liệu thô với mục tiêu đến năm 2020, Nga có thể lọt vào nhóm 5 cường quốc kinh tế thế giới.
Về chính sách đối ngoại, Nga sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương, độc lập, thực dụng trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, ủng hộ trật tự thế giới đa cực với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, đồng thời thể hiện là một trong những trung tâm của thế giới đa cực.
Dù còn nhiều khó khăn và thách thức đang chờ đón Tổng thống Putin, song rõ ràng, những gì ông đã mang lại cho nước Nga trên cương vị Tổng thống giai đoạn 2000 – 2008 và Thủ tướng giai đoạn 2008 – 2012 chính là cơ sở để hy vọng của đa số người Nga về một đất nước thịnh vượng có thể trở thành hiện thực.
Nước Pháp với chương trình 3 giai đoạn
Ở nước Pháp, ngày 10/5, Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã chính thức công nhận thắng lợi của Tổng thống đắc cử Francois Hollande trong cuộc bầu cử Tổng thống nước Pháp vòng 2 ngày 6/5 vừa qua.
Như vậy, lần đầu tiên sau 17 năm cánh hữu nắm quyền, nước Pháp có một nhà lãnh đạo Đảng Xã hội cầm quyền, kể từ sau thời kỳ Tổng thống Francois Mitterrand.
Trong chiến dịch tranh cử, ông François Hollande đã đưa ra khẩu hiệu tranh cử là "Thay đổi, ngay từ bây giờ", với cam kết thực hiện 3 giai đoạn để thay đổi tích cực mọi mặt của đất nước.
Theo đó giai đoạn đầu giảm 30% lương của Tổng thống và các thành viên Chính phủ; soạn thảo Hiến chương về đạo đức nghề nghiệp cho các thành viên Chính phủ; tăng trợ cấp cho học sinh, không tăng giá nhiên liệu trong vòng 3 tháng; thay thế Hiệp ước Ổn định tài chính của Khu vực đồng Euro (Eurozone); rút binh sĩ Pháp khỏi Afghanistan trong năm 2012.
Giai đoạn 2, trình Quốc hội chương trình ổn định và dự luật về ngân sách công, tăng thuế đánh vào tầng lớp thượng lưu, ưu tiên việc làm cho thanh niên, chống bất bình đẳng xã hội.
Giai đoạn 3, tăng quyền hạn cho chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, xây dựng luật định hướng và lập kế hoạch cho ngành giáo dục.
Về chính sách đối ngoại, ông Hollande tuyên bố sẽ xem xét lại hiệp ước đã ký với EU về chương trình "thắt lưng buộc bụng" và xem xét lại vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để ưu tiên mục tiêu tăng trưởng và việc làm.
Theo các nhà phân tích, trên cương vị Tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ 5 năm, ông Hollande sẽ phải đối mặt với một loạt những thách thức to lớn. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là đưa nước Pháp vượt qua thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay, trong khi cả châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công. Theo các chuyên gia, với mong muốn trở thành một tổng thống bình thường như nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, chắc chắn ông Hollande đang được người dân Pháp đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi, mang lại một diện mạo khả dĩ hơn cho nước Pháp trên cả bình diện đối nội và đối ngoại.
Hy Lạp vẫn tìm kiếm sự ổn định
Còn tại Hy Lạp, sau cuộc bầu cử cuối tuần trước (ngày 6/5), tiến trình thành lập chính phủ mới ở Hy Lạp lâm vào bế tắc sau khi lãnh tụ Liên minh các lực lượng cực tả (Syriza, đảng về thứ 2 trong cuộc tổng tuyển cử ngày 6/5), ông Alexis Tsipras ngày 9/5 tuyên bố thất bại trong việc tìm đối tác liên minh.
Đây là đảng chính trị thứ 2 thất bại trong nỗ lực thành lập chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở nước này với kết quả không đảng nào giành đủ số ghế cần thiết để có quyền một mình đứng ra thành lập chính phủ.
Trước đó Đảng Dân chủ Mới (ND) theo đường lối trung hữu, Đảng về nhất trong cuộc bầu cử, cũng đã thất bại trong việc thành lập chính phủ liên minh ở Hy Lạp.
Trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc chính trị, ngày 10/5, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias đã trao quyền thành lập chính phủ liên minh cho ông Evangelos Venizelos, Chủ tịch Đảng Xã hội (Pasok) - chính đảng về thứ 3 trong cuộc tổng tuyển cử tại Hy Lạp ngày 6/5 vừa qua.
Các nhà quan sát nhận định, Chủ tịch Pasok chắc chắn sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn để có thể thành lập một chính phủ liên minh. Nếu đến ngày 17/5 tới, mọi nỗ lực thành lập chính phủ một lần nữa thất bại, Hy Lạp sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử Quốc hội mới.
Trong 3 chính đảng tại Hy Lạp, Đãng Xã hội (Pasok) và Đảng Dân chủ Mới là 2 chính đảng tuyên bố ủng hộ các cam kết của Hy Lạp với các nhà cho vay quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 130 tỷ Euro. Còn ông Alexis Tsipras, lãnh tụ Liên minh các lực lượng cực tả, lại chủ trương bãi bỏ các biện pháp kinh tế "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ tiền nhiệm thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế, giúp Hy Lạp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công.
Những diễn biến trên chính trường Pháp và Hy Lạp trong vài ngày qua đã tác động mạnh đến thị trường thế giới, nhất là giá chứng khoán, giá dầu mỏ…
Nguyễn Chiến